Trân Văn
Sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố danh sách những nhà thơ, nhà văn từng được đề cử giải Nobel Văn chương từ năm 1901 đến năm 1972, nhiều cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress,... đã tường thuật đầy hào hứng rằng trong số những nhà thơ, nhà văn ấy có một người Việt – Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1)...
Vũ Hoàng Chương sinh 1915 tại Nam Định là một nhà giáo sớm nổi tiếng về thơ, kịch từ thập niên 1940. Đến 1954 ông di cư vào Nam, vừa tiếp tục dạy học ở một số trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn, vừa làm thơ. Ông từng hai lần đoạt Giải Văn chương toàn quốc của Việt Nam Cộng hòa, từng là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam, từng tham gia một số Hội nghị Văn bút của châu Á và quốc tế và được xưng tụng là Thi bá...
Các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam mới ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Hoàng Chương như một cách bày tỏ sự tự hào vì Việt Nam cũng có ứng cử viên cho Nobel Văn chương từ 1972 nhưng lại lờ đi đoạn kết bi thảm của Vũ Hoàng Chương: Tháng 4 năm 1976, ông bị... “chính quyền cách mạng” tống giam không lý do. Sau năm tháng bị nhốt tại khám Chí Hòa, Thi bá Vũ Hoàng Chương được trả tự do để chết trong tự do, “chính quyền cách mạng” không bị mang tiếng!..
Đó cũng là lý do tuần này, nhiều người sử dụng mạng xã hội kể lại những điều họ biết về một Vũ Hoàng Chương tài cao nhưng nhờ công ơn cách mạng mà... phận bạc. Rất nhiều người đã chuyển cho nhau phần hồi ký mà nhà văn Mai Thảo kể về “Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương” trong tập “Chân dung” xuất bản năm 1985 ở hải ngoại (2)... Người Việt nói chung tất nhiên có quyền tự hào vì có những Thi bá như Vũ Hoàng Chương nhưng chuyện toan dùng Vũ Hoàng Chương để “tự hào” của nhiều cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức thì rõ ràng giống như mới lỡ dại gây... tai nạn cho... “đảng ta”, “nhà nước ta”, “chế độ ta”.
***
Trong vô số bình phẩm về thi tài của Vũ Hoàng Chương nhân sự kiện Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố danh sách ứng cử viên Nobel Văn chương có một số người vốn rất quan tâm đến văn chương như Thái Hạo viết thế này: Người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Nobel văn chương là nhà báo - nhà văn Hồ Hữu Tường năm 1969, chứ không phải Vũ Hoàng Chương năm 1972 nhưng chuyện đó không quan trọng. Cái thu hút tôi là thái độ trí thức của của cả hai người nghệ sĩ này.
Hồ Hữu Tường từng là một người cộng sản và đã từ bỏ cộng sản. Bị Pháp bắt tù, sau đó bị Ngô Đình Diệm bắt xử tử hình nhưng nhờ Albert Camus và những trí thức khác như ông Nehru - Thủ tướng Ấn Độ viết thư can thiệp nên chỉ bị đày ra Côn Đảo. Cuối đời, ông bị đưa đi cải tạo vào năm 1978. Ông mất 1980 (dẫn theo Đặng Chương Ngạn).
Còn Vũ Hoàng Chương mà bài “Lửa từ bi” ca ngợi việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong phong trào Phật giáo đồ đấu tranh chống lại chính sách đàn áp của chính quyền của Ngô Đình Diệm thì long đong lắm mà mấy hôm nay trong không khí ca ngợi ông lại không thấy mấy ai nhắc đến!
Tác giả kể “Bài Lửa từ bi gửi đăng nhật báo Tự do Saigon ngày 28/7/63 bị kiểm duyệt bỏ trọn, đã được văn phòng Chùa Xá Lợi, ngay sau đó, quay thành những bản “Ronéo” và phổ biến nhân ngày Chung thất của Bồ Tát Quảng Đức (Bài tựa tập Lửa từ bi).
Chưa hết, “Năm 1966, hội nghị [Văn Bút] ở Mỹ (New York) nhưng tôi không đi, và đã cử Tổng thư ký đi thay làm trưởng phái đoàn. Vì tôi ghét bọn Mỹ Thiệu và Kỳ lúc đó đang đàn áp Phật giáo ở Đà Nẵng, Sài Gòn” (Di cảo viết tay của Vũ Hoàng Chương - Dẫn theo Đoàn Lê Giang).
Qua vài ví dụ như thế, ta thấy, những người nghệ sĩ chân chính thì không thân chính quyền mà chỉ thân cái đẹp, điều thiện - ít nhất là trong lý tưởng của họ. Và cũng chính vì thế mà họ thường bị đối xử bât công, dù là dưới bộ máy nào. Nhưng không vì thế mà khoan nhượng. Đó là thái độ trí thức của người nghệ sĩ, và đó cũng là điều luôn luôn cần được nhắc nhớ (3).
***
Ở cái gọi là “Hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Quý Mão 2023” mới diễn ra hôm 16/2/2023, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban bí thư – mới huấn thị: Văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học cần giữ vững cốt cách ‘như tùng, như bách’, tiếp tục tận hiến vì dân tộc. Những văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học muốn “giữ vững cốt cách như tùng, như bách” chắc chắn phải ngẫm nghĩ về số phận của những người như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương,...
Trong năm, bảy thập niên vừa qua, thực tế hành xử của... “đảng ta”, “nhà nước ta”, “chế độ ta” chỉ tạo nên những “văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học”... “tiêu biểu” như Nguyễn Quang Thiều. Tại hội nghị vừa kể, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tha thiết... Đề nghị đảng, nhà nước “đầu tư niềm tin” vào văn giới (4). Sau “tự hào” về Nobel Văn chương, trên mạng xã hội bắt đầu có người phân tích về “đầu tư niềm tin”, đại ý, có thể gạ bán “đầu tư niềm tin” cho giới kinh doanh casino, công ty xổ số - vốn dựa vào hy vọng và niềm tin của thiên hạ để gầy dựng và phát triển sự nghiệp - dùng làm... slogan (5).
Lẽ nào “văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học” giống như... nhà cái, còn “đảng ta”, “nhà nước ta”, “chế độ ta” giờ giống như những con bạc khát nước?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/vu-hoang-chuong-tung-duoc-de-cu-giai-nobel-van-hoc-20230211154512635.htm
(2) https://dutule.com/a7338/mai-thao-may-thang-cuoi-cung-voi-vu-hoang-chuong
(4) https://tuoitre.vn/van-nghe-si-tri-thuc-can-duoc-dang-nha-nuoc-dau-tu-niem-tin-202302161820061.htm
Diễn đàn