Tư lệnh hải quân Đài Loan, Tang Hua, sẽ thăm Hoa Kỳ từ tuần tới để dự một buổi lễ quân sự và thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác hải quân song phương trong lúc Trung Quốc gia tăng các mối đe dọa đối với hòn đảo này, sáu người có thông tin về chuyến đi cho biết.
Mặc dù Đài Loan và Hoa Kỳ có mối quan hệ chặt chẽ nhưng mối quan hệ này không chính thức, vì Washington chính thức công nhận Trung Quốc chứ không phải hòn đảo có chính quyền dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của họ. Đài Loan luôn bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Sáu nguồn tin an ninh cho hay ông Tang sẽ tới Hawaii, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, để dự lễ bàn giao chức vụ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương. Theo ba trong số các nguồn tin, ông Tang dự kiến sẽ tham dự hội nghị Biển-Trời-Vũ trụ từ được tổ chức từ ngày 8-10/4 gần thủ đô Washington của Mỹ. Họ nói rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành để sắp xếp một cuộc gặp với người đứng đầu các hoạt động hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Lisa Franchetti.
Các nguồn tin nói với Reuters với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của chuyến thăm.
Hải quân Đài Loan và Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời cho đề nghị đưa ra bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ kiên quyết phản đối “sự thông đồng quân sự” giữa Mỹ và Đài Loan và rằng Washington nên “kiềm chế gửi bất kỳ tín hiệu sai lầm nào tới các lực lượng ly khai đòi độc lập của Đài Loan”.
Không giống như các chuyến thăm Mỹ của các quan chức cấp cao từ các đồng minh như Nhật Bản và Anh, vốn được tiến hành một cách công khai, các chuyến thăm của các quan chức Đài Loan, đặc biệt là giới quân đội, được giữ kín và thường không được xác nhận chính thức.
Washington và Đài Bắc không có mối quan hệ ngoại giao hoặc quân sự chính thức kể từ năm 1979, khi Mỹ chuyển sang công nhận Bắc Kinh, mặc dù luật pháp Hoa Kỳ quy định phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.
Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, nơi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận đã chạy trốn đến đó vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc trước những người Cộng sản của Mao Trạch Đông, những người đã lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hải quân Đài Loan chỉ bằng một phần nhỏ của hải quân Trung Quốc, quốc gia đang bổ sung các tàu ngầm và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dưới nỗ lực hiện đại hóa mà Tổng thống Thái Anh Văn giám sát, Đài Loan đang phát triển tàu ngầm của riêng mình, với chiếc đầu tiên được ra mắt vào năm ngoái.
Không phô trương, song Đài Loan và Mỹ đã mở rộng hợp tác quân sự kể từ khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường áp lực quân sự trong 4 năm qua. Bắc Kinh hiện thường xuyên đưa máy bay chiến đấu bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, nơi từng được coi là ranh giới không chính thức.
Trong các chuyến thăm trước đây của các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ, Tư lệnh Hải quân lúc bấy giờ Lee His-ming đã tới Hoa Kỳ vào năm 2015. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hsu Yen-pu vào năm ngoái đã tới tham dự hội nghị công nghiệp quốc phòng Đài Loan-Mỹ ở Virginia.
Theo truyền thông Đài Loan, nước này thường tổ chức các cuộc đàm phán an ninh hàng năm tại Mỹ, điều mà cả hai chính phủ đều không chính thức xác nhận. Truyền thông nước này cho hay cuộc đàm phán năm ngoái có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan.
Hai nguồn tin nói rằng chuyến thăm của ông Tang là một phần trong nỗ lực của Mỹ, có tên là Khái niệm Phòng thủ Đảo Chung, nhằm phối hợp với Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác để chống lại các lực lượng vũ trang của Trung Quốc bên trong “chuỗi đảo thứ nhất” – một chuỗi đảo bao quanh các vùng biển ven bờ của Trung Quốc nối từ Nhật Bản, Đài Loan, Philippines tới Borneo, một hòn đảo mà cả ba nước Indonesia, Malaysia và Brunei đều có lãnh thổ.
Một nguồn tin, là một quan chức Hoa Kỳ, cho biết Đài Loan và Mỹ đang cố gắng sắp xếp một cuộc gặp giữa ông Tang và bà Franchetti, nhưng việc này vẫn chưa được xác nhận.
Ông Tang hôm 26/3 đã cùng bà Thái đến một căn cứ hải quân ở bờ biển phía đông Đài Loan để dự lễ bàn giao hai tàu hộ tống lớp Tuo Chiang mới, mà hải quân Đài Loan gọi là “sát thủ tàu sân bay” vì có khả năng cao về cơ động, tàng hình và tên lửa chống hạm.
Diễn đàn