Vị tư lệnh quân đội cầm đầu cuộc đảo chánh ngày 22 tháng 5 tại Thái Lan ngày hôm nay đã chính thức nhận lãnh chức vụ thủ tướng. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Đài VOA Steve Herman tại Bangkok.
Vị tư lệnh của quân đội Thái Lan đã cúi đầu trước một bức chân dung lớn của Quốc vương Bhumibol Adulyadej sau lễ tuyên đọc một chiếu chỉ của Hoàng gia bổ nhiệm ông làm thủ tướng thứ 29 của vương quốc này.
Bà Norarat Pimsen, quyền Tổng Thư Ký Quốc hội Thái Lan tuyên đọc chiếu chỉ hoàng gia nói rằng “Đức Vua đã cử Đại tướng Prayuth Chan-ocha làm Thủ tướng để cai trị đất nước kể từ hôm nay.”
Tướng Prayuth Chan-ocha, trong 3 tháng qua, đã ra lệnh thiết quân luật, loại bỏ chính phủ dân sự và chỉ định cơ quan lập pháp gồm đa số là sĩ quan quân đội. Cơ quan này đã nhất trí chọn ông làm thủ tướng.
Ngay sau buổi lễ nhậm chức tại Bộ Tư lệnh, Tướng Prayuth cho biết ông sẽ đệ trình danh sách thành viên nội các vào tháng 10 để xin nhà vua chấp thuận.
Tướng Prayuth, vẫn còn mặc quân phục màu trắng, đã phát biểu lần đầu tiên trong tư cách thủ tướng. Ông nói rằng Thái Lan đang phải đối đầu với nhiều vấn đề. Ông nói những vấn đề này cần phải được giải quyết trước việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm tới trong đó Thái Lan với tư cách là một nước có nền kinh tế đứng thứ nhì trong vùng, sẽ đóng một vai trò dẫn đạo.
Vị tướng 60 tuổi, sẽ rời khỏi quân đội về hưu vào tháng tới, là lãnh tụ đảo chánh đầu tiên trở thành thủ tướng kể từ năm 1957.
Tướng Prayuth cũng là một nhân vật quan trọng trong cuộc đảo chánh năm 2006 để lật đổ Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin là một tỉ phú ngành viễn thông và đảng của ông đã thắng tất cả các cuộc bầu cử quốc gia trong hơn một thập niên.
Em gái của ông, bà Yingluck Shinawatra, bị buộc phải rời khỏi chức vụ thủ tướng một ít lâu trước cuộc đảo chánh năm nay, sau một thời gian dài xáo trộn chính trị tại Thái Lan.
Các giới chức của Hội đồng Quân nhân, được biết dưới tên là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, nói Tướng Prayuth muốn xóa bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra.
Thái Lan đã chia hai giữa một bên là những trí thức bảo hoàng thành thị và giới trung lưu chống đối mạnh mẽ gia đình Shinawatra và bên kia là những người ủng hộ ông Shinawatra, hầu hết là những người nghèo ở vùng quê.
Với việc Thái Lan vẫn còn trong tình trạng thiết quân luật, cho phép nhà cầm quyền quyền lực rộng rãi bắt giữ những người bất đồng chính kiến để thẩm vấn, phe đối lập với Hội đồng quân nhân đã bị đè bẹp ngay trong nước.
Những người chỉ trích Thái Lan ở nước ngoài, hầu hết được chính phủ quân nhân xem như là những người đào thoát, đã lên án những hành động của Tướng Prayuth là một vụ tiếm quyền bất hợp pháp.
Cuộc đảo chánh cũng bị các chính phủ Tây Phương chỉ trích và kêu gọi Thái Lan nhanh chóng khôi phục thể chế dân chủ.
Tư lệnh Quân đội Thái Lan đã hứa thành lập “một nền dân chủ kiểu Thái Lan” mà ông cho rằng “sẽ mang lại hạnh phúc cho người dân.”
Tiến trình cải cách sẽ được tiếp nối bằng những cuộc bầu cử mà Tướng Prayuth cho biết là sẽ mất ít nhất là một năm.
Trong bài diễn văn dài 7 phút ngày hôm nay, vị thủ tướng mới đã nhắc lại lời kêu gọi những người có khả năng tham gia hội đồng cải cách quốc gia mà tập đoàn quân nhân đang thành lập. Tân Thủ tướng nói ông muốn các thành viên của hội đồng này là những người thuộc các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội, các kinh tế gia, các nhà trí thức, công chức và giới truyền thông.
Tướng Prayuth tuyên bố “Tôi không muốn ai bị bỏ rơi trong tiến trình dân chủ.”