Khoảng ba ngàn người từ gần 130 quốc gia tề tựu tại Stockholm nhân thượng đỉnh Tuần lễ Nước Thế giới hàng năm (từ ngày 8/28 đến ngày 9/2). Chủ đề năm nay là nước vì sự tăng trưởng bền vững.
Viện Nước Quốc tế Stockholm chủ trì thượng đỉnh, gọi năm 2016 là ‘năm quan trọng để bàn về vai trò của nước trong quá trình phát triển.’ Cuộc họp diễn ra sau việc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs) và thỏa thuận biến đổi khí hậu mang tính lịch sử đạt được tại Paris.
Ông Anton Earle là giám đốc trung tâm khu vực châu Phi thuộc Viện Nước Quốc tế Stockholm có trụ sở tại Thành phố Pretoria, Nam Phi.
Ông nói:
‘Tất cả những nỗ lực khác nhằm thúc đẩy sự phát triển thực sự sẽ chẳng đi đến đâu nếu chúng ta không cung cấp nguồn nước cần thiết. Ý tôi muốn nói tới bất kỳ khía cạnh phát triển nào cho dù là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hay nông nghiệp.’
Ông giải thích lý do vì sao nếu không có nước sạch thì khó mang đến cho trẻ em một nền tảng giáo dục tốt:
‘Các trường được xây dựng trên khắp châu Phi, nơi các chính phủ đang thực sự nắm bắt những tồn đọng trong giáo dục, nhưng các ngôi trường này không có nguồn cung cấp nước an toàn, và vì thế không có vệ sinh đầy đủ, cho nên học sinh, đặc biệt là các em nữ, không tới trường.’
Dù có sự liên quan chặt chẽ giữa nước sạch và vấn đề phát triển, nhưng đưa vấn đề lên làm ưu tiên trọng tâm tại các hội nghị quốc tế bàn về khí hậu thật sự không dễ chút nào.
Ông Earle tiếp lời:
‘Về cơ bản, biến đổi khí hậu là tất cả những biến đổi gây ra bởi thay đổi trong bầu khí quyển của hành tinh, những thay đổi trong việc tạo ra khí carbon, methane, và các loại khí nhà kính khác đang gây tác hại đến bầu khí quyển. Đó là điều ai cũng biết, nhưng cách biến đổi khí hậu tác động đến thế giới sẽ, dĩ nhiên, thông qua nước_ các dòng chảy của nước qua bầu khí quyển, sự gia tăng bốc hơi nước, những thay đổi trong thủy văn, những thay đổi trong dòng chảy sẽ xảy ra.’
Các quan chức Viện Nước Quốc tế Stockholm cho biết tạo mô hình kinh doanh cho các ngành công nghiệp năng lượng và viễn thông dễ hơn cho ngành công nghiệp nước.
Ông Earle nói:
‘Đối với nước thì khác. Nước được hiểu như là một quyền con người. Khi bắt đầu chú trọng quá nhiều tới sự tham gia của khu vực tư nhân, và ngụ ý rằng một công ty tư nhân có thể đạt lợi nhuận từ việc cung cấp nước, điều này trở nên gây tranh cãi mang tính chính trị. Không có đáp án dễ dàng cho vấn đề này và chúng ta luôn phải xét tới các vấn đề xung quanh việc tiếp cận và sự bình đẳng. Đây có thể là một phần của vấn đề’.
Làm việc ở châu Phi, ông Earle nhận thấy lục địa này có những thách thức riêng trong việc sử dụng nước cho quá trình phát triển. Ông cho rằng châu Phi chưa làm đúng những gì cần phải làm, nghĩa là cần phải đầu tư khoảng 9 tỷ đôla mỗi năm cho cơ sở hạ tầng nước, bao gồm các con đập, hệ thống nước đô thị, hệ thống xử lý nước và hệ thống vệ sinh.
Ông cho biết:
‘Đây là một tồn đọng rất lớn, lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Tại nhiều nơi khác trên thế giới, vấn đề là làm sao để quản lý hiệu quả hơn những cơ sở hạ tầng đang có. Tại châu Phi, đây chỉ là một phần của phương trình. Tuy nhiên, cũng có những tồn đọng thực sự lớn ngay trong các cơ sở hạ tầng mới mà không cần thiết phải xây dựng.’
Vẫn theo lời ông, các mô phỏng từ máy tính cho thấy nhiều khu vực ở châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán và lũ lụt trầm trọng và thường xuyên hơn.
Ông Earle nói:
‘Ảnh hưởng đến cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến các thành phố và các khả năng của các thành phố cung cấp dịch vụ nước sạch cho cư dân. Châu Phi là một trong những nơi đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới ngày nay. Một số các thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới nằm trên lục địa châu Phi.’
Ban tổ chức Tuần lễ Nước Thế giới cho biết cuộc họp nhằm hỗ trợ mục tiêu thứ 8 trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện, công ăn việc làm đầy đủ, hiệu quả, và tốt đẹp cho tất cả mọi người.’