Đường dẫn truy cập

Internet tạo động lực cho các cuộc biểu tình ở Tunisia


Trang facebook của 1 sinh viên với tấm ảnh lá cờ quốc gia Tunisia bị bôi đỏ, 11/1/2011
Trang facebook của 1 sinh viên với tấm ảnh lá cờ quốc gia Tunisia bị bôi đỏ, 11/1/2011

Các cuộc biểu tình của dân chúng lật đổ nhà độc tài Zine el Abidine Ali được châm ngòi bởi một thế hệ blogger trẻ tuổi và thông thạo về Internet. Nhưng liệu hiện tượng được gọi là cuộc khởi nghĩa trên mạng này có thể là một khuôn thức cho thế giới Ả Rập hay không?

Được mệnh danh là Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài, cuộc nổi dậy này còn được gọi là Cuộc Cách Mạng Facebook. Các twitter, email và các trang blog đã huy động các cuộc biểu tình trong nhiều tuần lễ ở khắp quốc gia Tunisia ở Bắc Phi này chống lại chế độ độc tài của Tổng thống lâu đời Zine el Abidine Ben Ali.

Cao điểm đạt được trong các cuộc biểu tình ồ ạt khắp nước hôm thứ sáu khiến ông Ben Ali phải đi sống lưu vong.

Trên các đường phố ở thủ đô, giới trẻ Tunisia như anh Marouen Gara, một công nhân viễn thông 27 tuổi, không tỏ vẻ nghi ngờ gì về vũ khí mới để đạt được sự thay đổi – đó là không gian mạng.

Anh Gara gọi đó là một cuộc cách mạng Internet. Các blogger đã đè bẹp giới kiểm duyệt ở Tunisia và các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát để chuyển đi những đơn khiếu nại về tình trạng thiếu dân chủ ở Tunisia đi khắp nước và thế giới.

Chính phủ độc tài của ông Ben Ali không dung dưỡng tự do Internet. Chính phủ đã đóng cửa nhiều trang web và bắt giữ các blogger.

Nhưng những người Tunisi trẻ tuổi như cô Salouah Dalhoumi, ngồi tại một quán càphê Internet ở Tunis, đã tìm ra các cách để truyền đi thông điệp của mình. Cô cho biết nhà chức trách Tunisia đã tìm cách ngăn chặn những băng video gửi qua điện thoại di động về những vụ sát hại người biểu tình hồi tháng 12 và châm ngòi cho một cuộc khởi nghĩa toàn quốc.

Cô nói: “Ông ta đã dùng tường lửa để chận băng video này. Nhưng chúng tôi vẫn đưa lên được và tải xuống trong máy tính xách tay và sau đó phổ biến cho mọi người.”

Người đứng đầu chương trình Trung Đông và Bắc Phi của viện chính sách Chatham House có trụ sở ở London, bà Claire Spencer, nói rằng cuối cùng giới trẻ Tunisia tỏ ra thông minh hơn là những người kiểm duyệt trong chính phủ.

Bà nói: “Ngay khi có chuyện cấm đoán nào đó, thì sẽ có người phá vỡ và tìm cách vượt qua. Vì thế sách lược kiểm soát trong mấy năm vừa qua đã mang tính phản tác dụng.”

Các thông điệp trên mạng đã lưu truyền nhanh trên khắp thế giới, nối liền cộng đồng Tunisia sống ở nước ngoài với các diễn biến ở quê nhà. Anh Mohamed Ben Hazouz, một kỹ sư phần mềm điện toán sống ở Paris, đã đọc được các thông điệp đó. Anh đáp máy bay trở về Tunis hồi sớm thứ sáu để tham gia các cuộc biểu tình ồ ạt kết thúc bằng việc lật đổ ông Ben Ali.

Anh nói: “Trong tư cách một kỹ sư nhu liệu điện toán, tôi nghĩ đây là cuộc cách mạng Internet đầu tiên trên thế giới. Trong thế giới Internet mới, cuộc cách mạng được thực hiện từ châu Phi.”

Một số trong những chất liệu tạo ra cuộc cách mạng này ở Tunisia đang hiện diện đâu đó trong thế giới Ả Rập – nơi thường có các chính phủ độc tài, tỷ lệ thất nghiệp cao, các quán cà phê Internet với các khách hàng đa số là những người có học vấn cao, và giới trẻ hiếu động. Bà Spencer nói tiếp:

“Liệu họ có tập hợp với nhau thành một cái gì tương tự như tình huống ta thấy ở Tunisia hay không trong tương lai gần là điều còn nêu thắc mắc. Nhưng tôi nghĩ xu hướng về lâu về dài là đây là một thế hệ được giáo dục, được cung cấp thông tin đầy đủ, và sẽ đòi hỏi nhiều hơn trong việc tham gia và đóng một vai trò dân sự tại các quốc gia của mình. Họ sẽ không ngồi yên để chứng kiến các cuộc bầu cử tham nhũng và thiếu tính đại diện chính trị và thiếu sự tham gia vào nền kinh tế.”

Cuộc cách mạng Internet ở Tunisia, nếu có thể gọi như thế, vẫn còn đang tiếp diễn. Cuộc cách mạng này chung cuộc sẽ đem lại những bài học gì cho phần còn lại của thế giới Ả Rập? Đó là một câu hỏi còn chưa có lời giải đáp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG