Lãnh tụ Hồi giáo Tunisia Rachid Ghanouchi nhanh chóng nhấn mạnh rằng đặc trưng chính trị tôn giáo của ông là cởi mở, ôn hòa và cấp tiến. Ông nhiều lần nêu ra điểm này trong cuộc phỏng vấn với VOA.
Ông Ghanouchi nói rằng đảng của ông Ennahda, muốn có một nền cộng hòa dân chủ và không tìm cách thiết đặt một cộng hòa Hồi giáo.
Ông nói rằng chủ thuyết của Ennadha đã trưởng thành kể từ thập niên 1980 và rằng đạo Hồi và dân chủ đi đôi với nhau.
Tên đảng của ông Ghanouchi tiếng Ả Rập có nghĩa là phục hưng. Và Tunisia cũng đang trải qua một sự tái sinh nào đó vào lúc nước này rũ bỏ quá khứ độc tài.
Trong một khoảnh khắc cởi mở ngắn ngủi sau khi cựu tổng thống Tunisia Zine el Abidine Ben Ali lên nắm quyền vào cuối thập niên 1980, đảng Ennadha là đảng đối lập mạnh nhất tại Tunisia. Đảng đã chiếm được 17 phần trăm số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1989. Sau đó, ông Ben Ali đã đàn áp, và bỏ tù nhiều người Hồi giáo. Những người khác, như ông Ghanouchi của đảng Ennahdha, đã ra nước ngoài sinh sống.
Trên đường phố Tunis, một số người mô tả những năm tháng các phần tử Hồi giáo chính thống đã bị chính quyền ngược đãi ra sao.
Người thanh niên này, mang bộ râu của một người Hồi giáo thuần thành, nói rằng anh ta đã bị gạt ra khỏi các chức vụ trong ngành công chức khi anh nộp đơn mặc dù được điểm cao trong các cuộc trắc nghiệm.
Cả ông Ben Ali lẫn nhà lãnh đạo Tunisia sau thời kỳ độc lập là ông Habib Bourguiba đều không dung chấp chính giới Hồi giao khi họ hình thành một quốc gia dứt khoát có tính thế tục và tây phương hóa. Ngày nay, theo bà Fatma Karray, chủ biên nhật báo Chourour của Tunisia. Người dân Tunisia lại làm quen với Ennadha.
Bà Karray nói mức độ hậu thuẫn mà Ennadha nhận được ở Tunisia sẽ rõ ràng trong những tháng sắp tới, vào lúc nước này chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Theo bà, ngay lúc này thì hơi khó nói.
Doanh gia Boujemaa Bedhaif, một người Hồi giáo thuần thành, tin rằng người Tunisia chung cuộc sẽ ủng hộ chính giới Hồi giáo.
Ông Bedhaif nói người Hồi giáo phải có một chỗ đứng trong chính sự – Kinh Koran là căn bản của người Hồi giáo.
Nhưng những người Hồi giáo khác như ông Ismael Skheir, coi Ennadha chỉ đóng một vai trò chính trị không đáng kể.
Ông Skheir cho rằng trong một nền dân chủ đa đảng, phải có chỗ cho Ennadha – nhưng chỉ là một chỗ hạn chế thôi.
Khuôn mặt nổi bật trong các cuộc biểu tình mới đây ở Tunisia và các nước Ả Rập khác không phải là một khuôn mặt tôn giáo. Ngay tại Ai Cập, hiện đang bị rúng động vì những cuộc biểu tình chống chính phủ, tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo được lòng nhiều người và đã có từ lâu cũng chậm trễ trong việc tham gia phong trào.
Tổ chức này nay là một phần của một liên minh đối lập lỏng lẻo - đứng đầu là nhà cựu ngoại giao Ai Cập tây phương hóa Mohammed El Baradei.
Lực lượng chính giới Hồi giáo sẽ trở thành một lực lượng lớn ở tầm mức nào tại Tunisia và tại các nơi khác trong thế giới Ả Rập là điều mọi người đều suy đoán. Nhưng chuyên gia phân tích Mansouria Mokefi, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở Paris, tin rằng phương Tây cần phải đối phó với tính hiện thực của lực lượng này.
Bà Mokhefi cho rằng các quốc gia Tây phương cần phải chẩun bị cho các nền dân chủ trong tương lai ở thế giới Ả Rập trong đó có một vai trò của các chính đảng Hồi giáo. Dù sao, theo bà, đạo Hồi cũng là một phần của đặc điểm Ả Rập.
Nhà lãnh đạo Hồi giáo Rachid Ghanouchi đã nổi bật tại Tunisia kể từ khi trở lại quốc gia Bắc Phi này sau hơn 2 thập niên sống lưu vong. Trong quá khứ, giới hữu trách Tunisia đã mạnh tay trấn át chính giới Hồi giáo. Nhiều người đang tự hỏi giới này sẽ đóng một vai trò như thế nào vào lúc Tunisia cố gắng xây dựng một nền dân chủ đa đảng. Thông tín viên VOA Lisa Bryant ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1