Các số liệu mới cho thấy tuổi thọ tăng thêm 5 năm trong thời gian từ 2000 đến 2015; đó là mức tăng nhanh nhất tính từ thập niên 1960, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, là cơ quan vừa công bố phúc trình Thống kê Sức khỏe Thế giới, vẫn có sự bất bình đẳng cả bên trong từng nước lẫn giữa các nước. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường trình từ trụ sở WHO ở Geneve.
Trong khi mọi người sống lâu thêm trung bình là 5 năm so với đầu thế kỷ, Tổ chức Y tế Thế giới nói vẫn còn những cách biệt lớn. Sự kiện này thể hiện qua các số liệu thống kê cho thấy dân chúng ở 12 nước đã phát triển có thể trông đợi sống đến 82 tuổi hay hơn, so với dân chúng ở 22 nước đang phát triển chết trước lúc 60 tuổi.
Thụy Sĩ, Iceland, Australia, Thụy Điển, và Israel là 5 quốc gia có tuổi thọ cao nhất trong khi Chad, Cote d’Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Angola, và Sierra Leone xếp hạng thấp nhất.
Mặc dầu 5 nước Phi Châu nằm ở cuối bảng xếp hạng, WHO báo cáo mức tăng tuổi thọ lớn nhất kể từ năm 2000 đã diễn ra trong khu vực Châu Phi.
Ông Ties Boerma, giám đốc WHO về thông tin, bằng chứng và nghiên cứu, nói tuổi thọ đã tăng ở mức 9,4 năm lên đến 60 tuổi ở Châu Phi. Ông nói đây chủ yếu là nhờ những cải thiện về tình trạng trẻ em sống sót, tiến bộ trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, và mở rộng tiếp cận với liệu pháp chống virut HIV.
Ông nói với đài VOA rằng mặc dầu khoảng cách biệt về tuổi thọ giữa Châu Phi và Châu Âu vẫn còn lớn, con đường tiến tới việc thu hẹp đang được mở ra.
“Sự cách biệt giữa Châu Âu và Châu Phi về tuổi thọ trong năm 2015 là 17 năm – tuổi thọ là 78 ở Châu Âu, 61 ở Châu Phi. Trong năm 2000, khoảng cách đó cao hơn 5 năm…Tôi nghĩ với những số liệu này, người ta có thể thấy mức tiến bộ đã đạt được và việc tiếp tục con đường này sẽ thực sự đạt được tiến bố quan trọng.”
Trung bình, báo cáo cho biết phụ nữ sống lâu hơn nam giới ở mọi nước trên thế giới. Nói chung, phụ nữ có thể sống tới gần 74 tuổi, khoảng 4 năm rưỡi lâu hơn so với nam giới.