Trang mạng của Tuổi Trẻ hôm 16/7 nói lời tạm biệt độc giả trong ba tháng sau khi bị Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc ký quyết định xử phạt vì một bài viết được cho là sai sự thật và một bài đăng bình luận “gây mất đoàn kết dân tộc”.
Trong cùng ngày Tuổi Trẻ cũng đăng đính chính với nội dung như sau:
“Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19-6-2018 đăng bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình".
“Trong bài viết này, Tuổi Trẻ Online có đăng: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này".
“Trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại TP.HCM ngày 19-6-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu nội dung trên.
“Và trong bài viết trên Tuổi Trẻ Online ngày 26-5-2017, Tuổi Trẻ Online đã đăng bài "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?".
“Do trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống, báo đã để xuất hiện comment (bình luận của bạn đọc) có nội dung không phù hợp với chủ trương biên tập của Tuổi Trẻ.
“Báo Tuổi Trẻ Online đã xóa bỏ comment trên.
“Báo Tuổi Trẻ Online xin chân thành cáo lỗi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và toàn thể bạn đọc.”
Điều đầu tiên có thể thấy là một trong hai bài bị xử phạt đã được đăng trên mạng từ hơn một năm trước nhưng nay mới bị lôi ra xử. Thậm chí hình phạt cho việc đăng bình luận của bạn đọc trong bài Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây bị phạt tiền tới 170 triệu đồng so với 50 triệu đồng tiền phạt đối với bài về phát biểu của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Và cũng chính bình luận của độc giả đã khiến trang mạng của Tuổi Trẻ bị đình bản ba tháng chứ không phải tin ông chủ tịch nước nói về biểu tình mà Tuổi Trẻ nhận đã tự sáng tác ra.
Nhưng liệu có phải vậy không? Có đúng chỉ vì một độc giả mà báo bị phạt hơn gấp ba số tiền phạt cho điều có thể nói là bịa ra phát biểu của chủ tịch nước? Hơn thế nữa, thông tin được cho là bịa đặt không khiến báo mạng của Tuổi Trẻ bị đình bản mà đăng chính xác bình luận của người đọc lại khiến Tuổi Trẻ chết lâm sàng trên mạng.
Có thể đúng như vậy và cũng có thể không. Tôi từng phụ trách duyệt các bình luận của độc giả BBC để đưa vào cuối các bài viết liên quan và biết chắc công an Việt Nam ghét cay ghét đắng nhiều bình luận được đăng. Chắc hẳn họ đã vô cùng vui vì mấy năm gần đây BBC không còn mở phần bình luận cho độc giả ở cuối một số bài như trước khi mà có những bài thu hút một số lượng bình luận vô cùng nhiều.
Các quan chức Việt Nam nói chung chỉ thích bình luận khi các bình luận đó có lợi cho họ. Bằng không họ sẽ tìm đủ mọi lý do vô cùng mơ hồ để kết tội những người bình luận và cả những người đăng tải. Lý do có thể là “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” hay “gây mất đoàn kết dân tộc” như trong trường hợp của Tuổi Trẻ.
Nhưng cũng có thể bình luận của độc giả chỉ là cái cớ. Sự việc xảy ra đã hơn một năm và “gây mất đoàn kết dân tộc” không phải là điều hay được nhắc tới. Cục Báo chí cũng không nói bình luận của độc giả đúng hay sai. Nếu độc giả bình luận chính xác, Cục Báo chí có thể vi phạm Luật Báo chí vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 mà theo đó các công dân có quyền “phản hồi thông tin trên báo chí”. Cục Báo chí cũng nói Tuổi Trẻ “có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính” đối với quyết định xử phạt. Nhưng báo đã chấp nhận bị đình bản thay vì khiếu nại hay khởi kiện, ít nhất về việc đăng bình luận của độc giả. Điều này cũng phần nào cho thấy những người làm báo ở Việt Nam muốn có sự tự do to như manh chiếu nhưng chính quyền chỉ cho độ bằng cái chén hay tệ hơn nhiều.