Hôm 11/12, một tòa án xử kín của Việt Nam đã tuyên phạt cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước,” theo hãng tin Reuters. Giới quan sát nói với VOA rằng bản án như vậy là “quá nhẹ”.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật khi tòa cho phép báo giới vào phòng xử lúc tuyên án, cho biết Hội đồng Xét xử cáo buộc ông Chung là “chủ mưu, chỉ đạo và nhiều lần nhận tài liệu về vụ án Nhật Cường thông qua điều tra viên Phạm Quang Dũng.”
Trang này dẫn lời của tòa tuyên rằng ông Chung có “vai trò chính” trong vụ án, nhưng đã “thừa nhận hành vi phạm tội”, “thành khẩn khai báo và có thái độ ăn năn.”
“Ông Chung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có tiền sử bị bệnh ung thư… nên tòa án tuyên mức hình phạt dưới khung so với cáo trạng truy tố,” vẫn theo báo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Đức Chung, người đang bị Bộ Chính trị xem xét đề nghị khai trừ Đảng, bị cáo buộc là đã móc nối với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ điều tra của Bộ Công an, để có được các thông tin, tài liệu quá trình điều tra vụ án Nhật Cường. Ông Dũng cũng bị phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” trong phiên tòa hôm 11/12. Hai bị cáo khác là tài xế riêng của ông Chung và cựu phó trưởng phòng thư ký biên tập Văn phòng UBND Hà Nội cũng bị phạt tù trong vụ án này.
Nhận định về bản án 5 năm tù đối với ông Chung, Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, nói với VOA:
“Mức án 5 năm như vậy là quá nhẹ. Ông ấy bị truy tố theo khoản 3, Điều 337 “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” với khung hình phạt từ 10-15 năm tù. Rõ ràng ông bị kết án có 5 năm tù ở phiên sơ thẩm, biết đâu ông ở phiên phúc thẩm ông được giảm nhẹ thêm – thường ở phúc thẩm chỉ có bằng hoặc giảm nhẹ hơn thôi.
“Như vậy mức án 5 năm tù là rất nhẹ so với hành vi phạm tội, và so với [nội dung] truy tố của Viện Kiểm sát.”
Luật sư Lê Quốc Quân cho biết thêm rằng các vị trí quan trọng mà ông Chung nắm giữ trước đây có thể là nguyên nhân khiến tòa tuyên bản án khá nhẹ như vậy:
“Đối với một ông cựu chủ tịch như thế, được phong tặng Anh hung Lực lượng vũ trang, và từng giữ vai trò quan trọng trong Bộ Công an như thế thì tôi nghĩ họ cũng nương nhẹ.”
Ông Nguyễn Đức Chung nguyên là một Thiếu tướng Bộ Công an. Trước khi bị bắt, ông Chung từng là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (2012-2016), đại biểu Quốc hội (2011-2016), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Nhận định chung về nền tư pháp Việt Nam và vấn đề thượng tôn pháp luật qua phiên tòa ngày 11/12, Luật sư Lê Quốc Quân nói:
“Việc thượng tôn pháp luật ở Việt Nam rất phức tạp và khó khăn vì ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo - Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện và họ lãnh đạo cả cơ quan tư pháp, tòa án. Do vậy, các bản án được thực hiện theo chỉ đạo theo tính chất của Đảng - thấy cần phải cao thì sẽ chỉ đạo cao, thấy cần thấp thì chỉ đạo thấp. Pháp luật phải dựa theo cái “tinh thần” đó, “ý chí” đó mà cụ thể hóa.”
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài, phát biểu trong một video trên Facebook hôm 11/12 nói rằng ông Nguyễn Đức Chung là một “ngôi sao đang lên” trên chính trường Việt Nam, với “lời nói đi đôi với việc làm,” nhưng đã bị giương bẫy chính trị của chế độ và bị “ngã ngựa’ trên đường đua vào chiếc ghế Bộ Chính trị trước thềm Đại hội Đảng XIII.
“Nguyên nhân là do chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam ngày nay - dưới áp lực kinh tế và nhiều vấn đề khác nhau - đã bị phân hóa, chia bè kéo cánh, không còn đoàn kết như là một khối thống nhất trong vài thập kỷ trước đây….Khi họ tranh giành quyền lợi thì phải sa thải lẫn nhau thôi!” ông Nguyễn Văn Đài nói.
Theo Bộ Công an, ông Chung còn liên quan đến hai vụ án khác chưa được xét xử là vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan; cũng như vai trò của ông trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP. Hà Nội.
Luật sư Lê Quốc Quân, người từng bào chữa cho các nhà hoạt động nhân quyền, nói rằng “thật là buồn” khi so sánh bản án dành cho ông Nguyễn Đức Chung với các bản ản hà khắc mà chính quyền tuyên đối với các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Điển hình như trường hợp của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, bị phạt đến 20 năm tù - án cao nhất cho giới đấu tranh - chỉ vì ông tranh đấu và lên tiếng cho các quyền căn bản của người dân.