Chính phủ Hoa Kỳ đã mở cửa trở lại, nhưng số phận của khoảng 800.000 người nhập cảnh Hoa Kỳ không có giấy tờ hợp lệ từ khi còn bé, là thành phần ở tâm bão trong vụ đóng cửa chính phủ ba ngày, vẫn không có gì là chắc chắn. Một số nhà lập pháp hứa sẽ bảo vệ họ sau khi Tổng thống Trump chấm dứt chương trình DACA (Hoãn thi hành lệnh trục xuất người nhập cảnh bất hợp pháp khi còn là trẻ em) vào tháng 9 năm ngoái, một chính sách của chính quyền Obama cho phép thành phần này được cư ngụ, học tập và làm việc ở Mỹ một cách hợp pháp.
Thông tín viên Esha Sarai của VOA tường thuật rằng những người thuộc diện DACA đang vô cùng thất vọng.
Một ngày sau khi Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ giải pháp mở cửa lại chính phủ, không bao gồm một giải pháp cho DACA, các nhà hoạt động và những người thuộc diện DACA đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội giữa các cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ và dân biểu đại diện cho họ, để yêu cầu được bảo vệ.
Cô Alma Couverthie thuộc Phong trào cải cách Di trú Công bằng, nói:
“Một số dân biểu và nghị sĩ hồi tuần trước, chỉ mới tuần trước thôi, đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn sẽ ủng hộ thành phần Dreamers chúng tôi [những người nhập cảnh bất hợp pháp khi còn nhỏ], họ tuyên bố rằng sẽ không lùi bước, thế rồi thứ Hai, chúng ta có cuộc biểu quyết đau lòng này”.
Nhiều người thuộc diện DACA, một số đã đi vận động các nhà lập pháp và biểu tình trong suốt nhiều tháng, nay tỏ ra bi quan hơn.
Một người khác, Yeni Romero, nói:
“Tôi muốn lạc quan, tôi muốn tin vào những lời hứa, nhưng giờ tôi đã tới đây vài lần rồi với nhiều tổ chức khác nhau với nhiều hướng tiếp cận khác nhau, trực tiếp gặp các nghị sĩ và kể cho họ nghe những câu chuyện của chúng tôi, chúng tôi lại được nghe lặp đi lặp lại những câu đại loại như ‘Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc đó, chúng tôi sẽ làm việc đó’, Còn chúng tôi thì vẫn chưa thấy kết quả”.
Romero tới Hoa Kỳ khi cô mới lên 5. Cũng như nhiều “Dreamers”, cô muốn các nhà lập pháp thông qua một đạo luật độc lập về Dreamer, cho phép những người thuộc diện DACA có quyền được thường trú ở Mỹ vĩnh viễn. Theo họ, đây là một vấn đề cấp bách vì nhiều người đang mất quy chế di trú.
Trong khi đó, Rainy Leonor bày tỏ:
“Đây là thời điểm rất đau lòng đối với chúng tôi, chúng tôi đang ở trong một tình huống rất… khó khăn, một tình huống có thể nói là khẩn cấp. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải hành động hết sức mình và hối thúc các nhà lãnh đạo thông qua một cái gì đó, vì càng chờ lâu, thì càng nhiều người bị trục xuất”.
Quốc hội giờ đây có tới ngày 8 tháng 2 để thống nhất về một dự luật chi tiêu dài hạn, mà nhiều nhà lập pháp hứa hẹn sẽ bao gồm những biện pháp bảo vệ thành phần Dreamers.