Đường dẫn truy cập

Tỷ phú Mỹ đóng cửa Quỹ Từ thiện sau khi cho đi hết tài sản 8 tỷ USD


Nhà từ thiện Charles 'Chuck' Feeney
Nhà từ thiện Charles 'Chuck' Feeney

Ngày 14/9/2020 ở San Francisco, cựu tỷ phú Mỹ Charles 'Chuck' Feeney - cùng vợ Helga - ký giấy tờ để chính thức đóng cửa The Atlantic Philanthropies, tổ chức từ thiện mà ông đã thành lập từ năm 1984 sau khi hoàn thành sứ mệnh của đời ông: cho đi khối tài sản 8 tỷ USD trong lúc ông còn sống, để tài trợ cho các dự án quy mô hầu xây dựng những xã hội công bằng, lành mạnh trên thế giới.

Cách đây nhiều năm, nhà từ thiện đã chọn ngày đóng cửa hội từ thiện của ông trong khuôn khổ một kế hoạch theo đó ông sẽ sử dụng hết tài sản của mình để tài trợ cho những dự án lớn nhằm cải thiện đời sống hay cung cấp cơ hội cho những thành phần bị thiệt thòi tại một số nước mà ông cho cần được giúp đỡ trên thế giới. Việt Nam may mắn lọt vào danh sách này.

Trong gần 4 thập niên hoạt động, Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương đã trao tặng hàng tỷ đôla vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền cho các dự án quy mô ở Hoa Kỳ, Ireland, và một lượng lớn tiền nữa cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba. Riêng Việt Nam, từ năm 1998 đến 2013, Atlantic đã tài trợ gần 382 triệu đôla cho các thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng.

Chuck Feeney là ai?

Charles Feeney, gọi thân mật là 'Chuck' là một nhà tỷ phú người Mỹ gốc Ireland, và là người đồng sáng lập mạng lưới bán lẻ miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS).

Theo tác giả quyển tiểu sử của ông, Conor O'Clery, ông ra đời năm 1931 tại Hoa Kỳ giữa cuộc Đại Suy thoái trong một gia đình thuộc thành phần trung lưu, Chuck Feeney gia nhập quân đội từ lúc còn trẻ. Ông phục vụ trong quân chủng Không quân trong Thế chiến thứ II. Sau chiến tranh, tận dụng trợ cấp giáo dục miễn phí của chính phủ Mỹ dành cho các cựu quân nhân, ông hoàn tất học vấn tại Đại học Cornell, và sau đó tại Trường Quản trị Khách sạn ở Pháp. Ông gặp và kết hôn với người vợ đầu, Danielle, ở đây. Ông bà có 5 người con, 4 gái và người con trai út.

Ông thành lập công ty sau này trở thành Duty Free Shoppers trong những năm 1960. Tới năm 1982, ông đã gầy dựng được cơ đồ, và âm thầm lên kế hoạch để thực hiện kế hoạch dùng tài sản đồ sộ của mình để làm việc thiện.

Đời đạm bạc

Đi khắp thế giới để hoạt động từ thiện, nhưng nhà tỷ phú không hề phung phí tiền bạc, luôn luôn mua vé rẻ nhất khi đi máy bay, sống thanh đạm trong một căn hộ cho thuê trong một con hẻm nhỏ ở San Francisco.

Ông Conor O'Clery, tác giả viết tiểu sử “Chuck Feeney, The Billionaire Who Wasn't”, cho biết sau khi cho đi hết tài sản, ông trở thành ‘vô sản’, không nhà, không xe. Căn hộ cho thuê trang trí đơn sơ, không có vật gì xa xỉ. Tác giả kể ông sở hữu một cái đồng hồ bằng plastic hiệu Casio rất tốt, giá khoảng 15 USD, mà ông nói “chạy tốt không kém đồng hồ Rolex”.

Vì sao ông quyết định cho hết tài sản ông sở hữu? tác giả hỏi, Chuck Feeney có câu trả lời rất đơn giản: “Vì đó là điều đúng đắn nên làm.”

Quen biết đối tượng đã lâu, tác giả O’Clery nói ông tin rằng những lý do bao gồm tính rộng lượng tự nhiên, cộng với tâm trạng không thoải mái với sự giàu sang do xuất thân từ một khu xóm Mỹ gốc Ireland ở New Jersey, nơi không ai khoe khoang về mình, và tấm gương của người mẹ, một nữ điều dưỡng luôn luôn giúp đỡ người khác.

Ông cũng bị ảnh hưởng bởi nhà từ thiện Andrew Carnegie, tác giả của The Gospel of Wealth, chủ trường “triệu phú phải là người chăm lo các lợi ích cho người nghèo.”

Sau khi cho hết tài sản, Chuck Feeney bắt đầu thực hiện sứ mạng dùng khối tài sản đó để làm việc thiện, trong khi tiếp tục phát triển các cơ sở làm ăn của ông để cung cấp thêm quỹ tài trợ cho các dự án từ thiện của Hội.

Trước khi ‘bút sa gà chết’, nhà tỷ phủ không quên dành riêng chút ít cho gia đình, gồm người vợ đầu tiên, bà Danielle và 5 người con của ông bà.

Thu vén cho gia đình vợ đầu tươm tất, nhưng không hậu hĩ quá đáng, ông dành riêng 2 triệu USD cho hai vợ chồng, ông và bà Helga, để có ‘đồng ra đồng vào’ vào tuổi xế chiều.

Tất cả tài sản còn lại, kể cả hiện kim, cổ phần đều được chuyển nhượng cho Atlantic Foundation, sau này trở thành The Atlantic Philanthropies, Tổ chức Từ thiện Đại Tây Dương, do ông sáng lập năm 1984.

Hội từ thiện Đại Tây Dương

Trong 3 thập niên sau đó, Chuck Feeney đã dùng số tiền đó để biến đổi tất cả các trường đại học ở Ireland, thúc đẩy cuộc cách mạng trong các công trình nghiên cứu, và hỗ trợ tiến trình hòa bình, cùng các dự án cộng đồng khác ở cả hai miền của Ireland.

Năm 2017, Chuck Feeney và hội từ thiện của ông tài trợ 7 triệu USD cho trường đại học của ông, Cornell University ở bang New York, cũng là trường đã nhận ngân phiếu đầu tiên mà Hội trao tặng vào năm 1982.

Trong gần 4 thập niên, Tổ chức Từ thiện Đại Tây Dương đã đầu tư 8 tỷ USD cho từ thiện, phần lớn để xây trường đại học và bệnh viện cũng như cho các cơ sở nghiên cứu y khoa trên khắp thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ, Ireland, Việt Nam, Úc và Nam Phi.

Riêng Ireland, quê cha đất tổ của ông, đã nhận được khoảng 1,2 tỷ USD từ 1987-2015.

Vợ chồng nhà từ thiện Chuck và Helga Feeney tại một cô nhi viện ở Đà Nẵng, Việt Nam
Vợ chồng nhà từ thiện Chuck và Helga Feeney tại một cô nhi viện ở Đà Nẵng, Việt Nam


Tại Việt Nam cũng như tại Úc, ông là nhà từ thiện lớn nhất trong lịch sử.

Việt Nam nói chung đã nhận hơn 382 triệu USD, kể cả 270 triệu USD để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe công, Hội từ thiện của ông Feeney còn tài trợ cho tổ chức East Meet West của Lệ Lý Hayslip, và nhiều dự án về giáo dục, mũ bảo hiểm khác.

Các dự án của Atlantic Philanthropies được tiến hành một cách hiệu quả nhưng kín đáo, bên nhận phải chấp nhận điều kiện là không tiết lộ danh tính người cho, nên trong một thời gian dài, không ai biết Chuck Feeney là người tài trợ đứng sau Tổ chức Từ thiện Đại Tây Dương, tổ chức đã cải thiện đời sống của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Trong suốt 38 năm kể từ khi được thành lập, Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương đã tài trợ cho các dự án đa dạng, như nỗ lực hủy án tử hình tại Hoa Kỳ, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách hậu thuẫn chương trình chăm sóc sức khỏe giá phải chăng, thường được biết đến là Obamacare.

Làm việc lớn nhưng cho tới năm 1997, tên tuổi của nhà từ thiện mới bị ‘bật mí’ khi ông và người đồng sáng lập DFS, ông Bob Miller, bất đồng về quyết định của ông, bán cổ phần trong DFS cho tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp. Nhưng dù tên tuổi bị công khai, nhà từ thiện vẫn tránh xuất hiện trước công chúng, và tiếp tục sống một cách giản dị.

Các dự án được Hội từ thiện tuyển chọn thận trọng để đáp ứng các nhu cầu cấp bách nhất của thế giới.

Dự án cuối cùng sẽ có ảnh hưởng rất lâu dài là chương trình Atlantic Fellows mà ông phát động vào năm 2016 để hỗ trợ 267 nhà nghiên cứu tại 48 nước, tham gia 7 chương trình hoạt động trên cả 5 châu lục. Atlantic cung cấp 660 triệu USD vốn ban đầu để tài trợ các hoạt động nghiên cứu trong 20 năm tới.

Mục đích là để xây dựng các xã hội công bằng và lành mạnh, hội nhập mọi thành phần. Trang web của The Atlantic Philanthropies dẫn lời Chủ tịch và CEO của tổ chức Christopher Oechsli, nói rằng chương trình này thể hiện các mục đích cao cả nhất mà sáng lập viên và Quỹ Đại Tây Dương đã đề ra từ năm 1983.

Cả 7 chương trình tập trung giải quyết một thách thức cụ thể của thế kỷ 21, gồm: giảm thiểu tác động của bệnh mất trí nhớ trên khắp thế giới, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đồng đều ở Nam Phi, Đông Nam Á và Hoa Kỳ, thăng tiến công bằng sắc tộc tại Hoa Kỳ và Nam Phi, cải thiện an sinh cho các cộng đồng ở Úc và Thái Bình Dương bằng cách tận dụng chuyên môn của các cộng đồng bản địa, và giải quyết những bất công trên toàn cầu.

Nguồn cảm hứng của các tỷ phú làm từ thiện

Chuck Feeney là người tiên phong trong các hoạt động từ thiện có tính thiết thực của các nhà tỷ phú đương đại. Ông là người đầu tiên cổ vũ và thực hành kế hoạch cho đi toàn bộ tài sản khi người cho còn sống, vạch ra lối đi cho của các tỷ phú từ thiện nổi danh hơn ông nhiều, như tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates.

Hai nhà từ thiện Warren Buffett, CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway,và sáng lập viên Microsoft Bill Gates tại Columbia University ở New York, 27/1/2017. (Reuters)
Hai nhà từ thiện Warren Buffett, CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway,và sáng lập viên Microsoft Bill Gates tại Columbia University ở New York, 27/1/2017. (Reuters)


Theo tạp chí Forbes, Chuck Feeney không muốn hiến tặng một số tiền cho từ thiện sau khi đã chết, như đa số mọi người thường làm, bởi vì ông muốn chủ động tìm và theo dõi các dự án mà ông cho là sẽ có hiệu quả tối đa, mang lại thay đổi và cải thiện xã hội, hay tạo cơ hội cho những thành phần bị thiệt thòi nhất.

Theo tác giả tiểu sử của ông, Chuck Feeney từng viết rằng:

“Của cải không thay đổi một người. Nó chỉ lột mặt nạ của người có của cải.”

Ông O’leary nhận xét Chuck Feeney đi ngược với chủ nghĩa tiêu thụ lố bịch trong xã hội Mỹ trong đó, những người sở hữu tài sản kếch xù, vung tiền như nước, là những người được ngưỡng mộ và bắt chước.

Trong khi đó, tấm gương của Chuck Feeney, người sống đời đạm bạc và cống hiến hết tài sản của mình cho việc thiện đã trở thành nguồn cảm hứng dẫn tới sự thành lập của Giving Pledge – Cam kết Hiến tặng Tài sản của những người giàu nhất hành tinh, mà tỷ phú Warren Buffett và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates đã phát động.

Tỷ phú Ấn Độ Amit Chandra cũng nêu tấm gương của Chuck Feeney khi cho biết ông sẽ hiến tặng phần lớn tài sản của mình để xây trường học, bệnh viện và các trường đại học.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG