Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) hôm 13/1 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á phối hợp quản lý tốt hơn các đập và hồ chứa thủy điện sông Mekong sau ba năm dòng chảy thấp kỷ lục và ngày càng thêm khô hạn.
Dòng chảy của sông Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu thập niên từ năm 2019 đến năm 2021 do số lượng hồ chứa, đập và trữ nước tăng lên, tình hình khí hậu ngày càng xấu đi và lượng mưa thấp bất thường, một báo cáo mới về dòng chảy sông Mekong của MRC cho thấy.
Tình trạng khô hạn trong ba năm qua đã ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, hệ sinh thái sông và sự ổn định của bờ sông trong khu vực nơi mà hàng chục triệu người phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm sống.
Tổ chức MRC – trong đó Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên - khuyến nghị chính phủ các nước này tăng cường phối hợp vận hành các đập thủy điện và tích nước ở lưu vực sông Mekong để giảm bớt tác động của hạn hán.
“Sự hợp tác chủ động là điều cần thiết, không chỉ từ Trung Quốc mà từ tất cả các nước thành viên MRC, để cùng giải quyết những vấn đề này”, An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC nói.
Có ít nhất 13 đập dọc theo 4.350 km sông Mekong, 11 trong số đó ở Trung Quốc.
Năm ngoái, MRC đã kêu gọi chia sẻ dữ liệu nhiều hơn về hoạt động thủy điện giữa Trung Quốc và các nước thành viên MRC để cải thiện việc quản lý lưu vực sông.