Hoa Kỳ ngày 9/12 công bố viện trợ quân sự mới cho Ukraine và thề quyết sẽ cắt đứt quan hệ của Nga với Iran, mà một đặc sứ Anh cho biết có liên quan đến việc Moscow tìm kiếm hàng trăm phi đạn đạn đạo từ Iran và đổi lại Iran được đề nghị hỗ trợ quân sự chưa từng có.
Tehran và Moscow bác cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công các mục tiêu ở Ukraine, nơi các quan chức đã cảnh báo hôm 9/12 về tình trạng thiếu điện kéo dài trong mùa đông sau các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Hai quan chức cấp cao của Iran và hai nhà ngoại giao Iran nói với Reuters vào tháng 10 rằng Iran đã hứa cung cấp cho Nga phi đạn đất đối đất cũng như nhiều máy bay không người lái hơn.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên rằng Washington rất lo ngại về “mối quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng sâu rộng” giữa Iran và Nga, và sẽ tìm cách phá vỡ mối quan hệ đó, bao gồm cả vấn đề máy bay không người lái.
Ông cho biết Washington đang gửi gói viện trợ trị giá 275 triệu đô la cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không và đánh bại máy bay không người lái.
Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Barbara Woodward tố cáo Iran đã gửi hàng trăm máy bay không người lái mà Nga dùng ở Ukraine.
Bà nói với các phóng viên: “Nga hiện đang cố gắng thu được nhiều vũ khí hơn, bao gồm hàng trăm phi đạn đạn đạo.” “Đổi lại, Nga sẽ cung cấp cho Iran mức hỗ trợ quân sự và kỹ thuật chưa từng có”.
Các phái bộ của Iran và Nga tại Liên hiệp quốc đã không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó nói Moscow có thể sẽ đạt được một thỏa thuận về Ukraine vào một ngày nào đó nhưng việc Nga gần như mất hoàn toàn tin tưởng vào phương Tây sẽ khiến một thỏa thuận cuối cùng khó đạt được hơn nhiều, nhưng ông không nêu chi tiết.
Nga đã đàn áp những người bất đồng chính kiến kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng Hai năm nay, và một tòa án ở Moscow hôm 9/12 đã kết án chính trị gia đối lập Ilya Yashin 8 năm rưỡi tù giam với tội danh truyền bá “thông tin sai lệch” về quân đội.
Ông Yashin đã thảo luận trong một video trên YouTube bằng chứng do các nhà báo phương Tây phát hiện về tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine. Moscow phủ nhận phạm tội ác chiến tranh. Trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình, ông Yashin kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục phản đối chiến tranh.
Thống đốc khu vực Donetsk, Pavlo Kyrylenko, cho biết hôm 9/12 rằng giao tranh ác liệt gần đây diễn ra gần các thị trấn phía đông Bakhmut và Avdiivka, đồng thời cho biết thêm rằng 5 thường dân đã thiệt mạng và 2 người bị thương ở các khu vực do Ukraine kiểm soát ở Donetsk.
Ông nói: “Toàn bộ chiến tuyến đang bị pháo kích.”
Trong một bài phát biểu vào buổi tối, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói tình hình ở mặt trận Donbas vẫn rất khó khăn, nhưng các lực lượng của Kyiv đang đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và gây ra tổn thất đáng kể.
Không thể kiểm chứng các báo cáo chiến trường.
Vấn đề lòng tin
Ông Putin trước đó đã lặp lại cáo buộc rằng phương Tây đang “khai thác” Ukraine và sử dụng người dân của họ như “bia đỡ đạn” trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cho rằng mong muốn duy trì sự thống trị toàn cầu của phương Tây đang gia tăng rủi ro.
“Họ cố tình nhân rộng sự hỗn loạn và làm trầm trọng thêm tình hình quốc tế”, ông Putin nói trong một thông điệp video tới hội nghị thượng đỉnh của các bộ trưởng quốc phòng từ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và một nhóm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Sau đó, ông đặc biệt chỉ trích Pháp và Đức, hai nước vào năm 2014 và 2015 đã làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn giữa Kyiv và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Ông Putin nói Đức và Pháp đã phản bội Moscow bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Câu hỏi về lòng tin đặt ra. Và niềm tin tất nhiên gần như bằng không... Tuy nhiên, trong phân tích cuối cùng, chúng ta phải đi đến các thỏa thuận. Tôi đã nói nhiều lần rằng chúng ta sẵn sàng cho những thỏa thuận này”, ông Putin nói.
Ông Putin, phát biểu tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, cũng cho biết Nga - nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - có thể cắt giảm sản lượng dầu mỏ và sẽ từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt mức giá trần “ngu ngốc” của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga.
Nhóm Bảy cường quốc, Liên hiệp châu Âu và Úc tuần trước đã đồng ý mức trần 60 đô la/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Diễn đàn