Đường dẫn truy cập

Cao Ủy Nhân Quyền LHQ hoan nghênh việc bà Suu Kyi được thả


Bà Suu Kyi giơ cao tấm bảng "Tôi cũng yêu mọi người" cho những người ủng hộ bà tại trụ sở của NLD ở Yangon, Miến Điện, 14/11/2010
Bà Suu Kyi giơ cao tấm bảng "Tôi cũng yêu mọi người" cho những người ủng hộ bà tại trụ sở của NLD ở Yangon, Miến Điện, 14/11/2010

Việc trả tự do cho bà Suu Kyi được hoan ngênh tuy nhiên Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho là chưa đủ.

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, gọi việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi là một dấu hiệu tích cực cho thấy giới cai trị quân nhân tại Miến nghiêm túc trong việc theo đuổi tiến trình dân chủ và hòa giải quốc gia.

Theo Cao Ủy thì bà Aung San Suu Kyi là nhân vật then chốt trong đời sống chính trị ở nước này và bà hy vọng bà Suu Kyi sẽ nắm giữ một vai trò tích cực trong tiến trình này.

Phát ngôn viên của bà Pillay, ông Rupert Colville, nói với đài VOA rằng khó mà có thể tiên đoán được điều gì sẽ xảy ra. Ông cho biết mọi người đều trong tình trạng chờ xem, vì trong quá khứ đã có quá nhiều thất vọng.

Ông nêu lên rằng nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân chủ đã từng được trả tự do sau khi bị quản thúc nhiều lần, chỉ để bị bắt lại; theo ông, những lần bắt giữ bà Suu Kyi đều là hành động bất hợp pháp.

Ông nói: "Vì vậy chúng ta hãy hy vọng là chuyện đó sẽ không xảy ra nữa. Hiển nhiên là thế giới bên ngoài đang theo dõi rất sát. Dường như là việc trả tự do cho bà không kèm theo điều kiện, đó là điều quan trọng. Nhưng điều cũng quan trọng không kém là nhà chức trách giờ đây phải để cho bà nắm giữ một trò thích hợp trong tiến trình chuyển đổi mà chúng ta hy vọng đang diễn ra tại nước Miến. Vì vậy đây có thể là bước đầu rất đáng hoan ngênh, nhưng chỉ mới là bước đầu."

Phát ngôn viên Colville nói rằng Cao Ủy Nhân Quyền vô cùng thất vọng khi thấy bà Aung San Suu Kyi đã không được trả tự do trước cuộc bầu cử. Ông cho biết Cao Ủy không muốn nghĩ rằng liệu bà Suu Kyi lại có thể gặp nguy khốn nữa hay không nếu bà tìm cách tập hợp, đoàn kết lại được đảng Liên Minh Toàn Quốc Tranh Đấu cho Dân Chủ. Giới cầm quyền Miến Điện đã cấm đảng của bà hoạt động.

Nhưng ông Colville nói rằng Cao Ủy Nhân Quyền tin là một lần nữa bà Suu Kyi cần phải lãnh đạo đảng này, điều mà trong nhiều năm trời bà đã không thể làm.

Ông nói tiếp: "Một điều rất quan trọng khác nữa là chúng ta không nên quên tất cả những tù nhân chính trị khác tại Miến Điện. Người ta cho rằng có chừng 2200 tù nhân, một số là đảng viên của đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân Chủ của bà Suu Kyi. Một số đã đắc cử vào Quốc hội năm 1990. Họ cũng bị tù tội nhiều năm kể từ ngày đó. Vì vậy cần phải trả tự do cho họ để tham gia chính trường hầu giúp cho tiến trình chuyển đổi thực sự diễn ra, để cho mọi người thấy rằng đang có tiến trình thay đổi nghiêm túc thực sự đang diễn ra tại Miến Điện."

Phát ngôn viên Colville cho biết Miến Điện có nhiều vấn đề về nhân quyền, gồm cả những vấn đề đã kéo dài từ rất lâu với các sắc dân thiểu số trong nước.

Ông Colville còn cho biết Miến Điện đang bị phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc theo dõi rất gắt gao để xem coi chuyện gì sẽ xảy ra ở nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG