Ông Mark Lattimer là giám đốc Tổ chức có tên Tổ chức Quốc tế về Quyền của người Thiểu số (Minority Rights Group International).
Ông nói với đài VOA rằng phụ nữ thiểu số là đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với bạo hành thể xác.
"Điều làm bản thân tôi bàng hoàng là đối với phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số, sự phân biệt đối xử thực sự diễn ra dưới hình thức bạo hành thể xác. Ơû các nước trên khắp thế giới, phụ nữ thiểu số bị nhắm làm mục tiêu trong các vụ cưỡng hiếp hay các hình thức bạo hành khác chỉ đơn giản là vì tôn giáo hay sắc tộc của họ."
Tổ chức Quyền của Người thiểu số đã đặt những phụ nữ đó làm trọng tâm của phúc trình thường niên được công bố hôm 6/7.
Ông Lattimer nói rằng ở những khu vực có xung đột vấn đề này rất rõ nét. Phúc trình đề cập đến Iraq, nơi phúc trình nói rằng phụ nữ thiểu số và người Cơ đốc giáo đã bị buộc phải đeo khăn trùm đầu để tự vệ trước các vụ tấn công bạo lực. Ở Somalia, phúc trình nói rằng phụ nữ Bantu và các nhóm phụ nữ thiểu số khác đã bị cưỡng hiếp và tấn công mà những kẻ tấn công không hề bị trừng phạt.
Phúc trình nói rằng cưỡng hiếp là một vũ khí chiến tranh và phụ nữ thiểu số, thường có địa vị kinh tế xã hội thấp, là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Ông Lattimer nói rằng phụ nữ thiểu số cũng trở thành nạn nhân trong thời bình. Ông nói rằng điều quan trọng là quyền của họ không bị lãng quên.
"Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong vòng 10, 20 năm qua trong việc hiểu về nhu cầu cần chú trọng tới việc bảo vệ quyền của phụ nữ trên khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng qui mô của các vụ vi phạm quyền của phụ nữ đã khiến nhiều người kinh ngạc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những người chú trọng tới quyền của của phụ nữ cần hiểu rằng không phải mọi phụ nữ đều giống nhau và các nhóm phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương hơn rất, rất nhiều so với các phụ nữ khác.”
Phúc trình về phụ nữ thiểu số được đưa ra cùng ngày Cơ quan về Phụ nữ mới được thành lập của Liên Hiệp Quốc công bố phúc trình đầu tiên của họ.
Phụ nữ Thiểu số là một trọng tâm của một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm đưa phụ nữ lên ưu tiên hàng đầu tại các chương trình nghị sự toàn cầu.
Phúc trình này xét tới một loạt các vấn đề tại các nước trên khắp thế giới, gồm bạo lực, quyền lực kinh tế và chính trị, bảo vệ về luật pháp. Phúc trình đặt câu hỏi là phụ nữ có những quyền gì.
Ông John Hendra là Trợ lý Tổng thư ký của Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc. Ông đã có mặt ở London để công bố phúc trình và đã nói chuyện với đài VOA.
"Có rất nhiều bằng chứng cho thấy để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu, tác động có cấp số nhân lớn nhất chính là việc trao quyền cho phụ nữ: đảm bảo rằng phụ nữ và các em gái có cơ hội bình đẳng đối với giáo dục, các dịch vụ cơ bản, chăm sóc sức khỏe, và đưa ra quyết định.”
Phúc trình cho hay về toàn diện có cả những tin tốt lẫn những tin xấu.
Về mặt chính trị, ở một số nước, phụ nữ đang tiến lên phía trước. Ví dụ ở Rwanda, 51% thành viên quốc hội là phụ nữ. Tuy nhiên trên toàn cầu, chỉ có 1/5 phụ nữ là các thành viên quốc hội.
Tại 173 nước, phụ nữ chắc chắn được hưởng lương khi nghỉ đẻ, nhưng không phải phụ nữ nước nào cũng được hưởng lợi ích đó – ví dụ như ở Hoa Kỳ.
Chồng cưỡng hiếp vợ bị coi là tội phạm ở 52 nước. Tuy nhiên, 2,6 tỷ phụ nữ vẫn sống ở những nước mà điều này được coi là hợp pháp.
Ông Hendra nói rằng cơ quan Liên Hiệp Quốc được thành lập để tập trung mọi thông tin về cùng một mối, để các chính phủ và các tổ chức có thể cung cấp nguồn lực và năng lực cho những nơi cần đến nhất.
"Chúng tôi không có ngân khoản lớn nhưng vai trò của chúng tôi là nhằm tìm cách mang đến phương pháp hành động được điều phối tốt hơn nhiều cho hệ thống của Liên Hiệp Quốc.”
Theo phúc trình của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ chênh lệch về lương bổng giữa nam và nữ trong năm 2010 là 20%. Ông Hendra nói rằng trao quyền bình đẳng về kinh tế cho phụ nữ là điều quan trọng đối với quyền của phụ nữ.
Phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số thường là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp và tra tấn và đặc biệt bị nhắm tới vì lý do tôn giáo hay sắc tộc của họ. Đó là nhận định của một phúc trình được đăng tải ở Anh hôm 6/7. Phụ nữ cũng là trọng tâm của một báo cáo do Liên Hiệp Quốc công bố hôm 6/7. Thông tín viên đài VOA Selah Hennessy ở London đã nói chuyện với các tổ chức nhân quyền về lý do tại sao phụ nữ lại là trọng tâm của các nỗ lực quốc tế nhằm cải thiện cuộc sống ở khắp nơi trên thế giới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1