Chính giới ở Washington đang bàn luận về tin tức nói rằng Mỹ sẽ lần đầu tiên triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Syria để hỗ trợ những chiến binh địa phương chiến đấu chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Động thái này đi ngược lại những đợt rút quân ở những vùng xung đột khác được Tổng thống Barack Obama chấp thuận.
Loan báo hôm thứ Sáu khơi ra tranh luận trên chặng đường vận động tranh cử tổng thống, nhưng không có lời hoan nghênh nhiệt liệt nào từ những ứng cử viên của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà đang tranh nhau kế nhiệm ông Obama vào năm 2017.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio nói phải đương đầu với những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo.
"Hoặc là họ thắng hoặc là chúng ta thắng. Họ sẽ không dừng lại ở Syria. Họ sẽ không dừng lại ở Iraq," ông Rubio nói. "Những kẻ này phải bị đánh bại. Và đánh bại họ bằng cách không cho họ lãnh thổ để hoạt động."
Ông Rubio cáo buộc Tổng thống Obama lãng phí những tiến bộ của Mỹ khó khăn lắm mới giành được trong thế giới Hồi giáo.
"Tổng thống này tranh cử dựa trên hứa hẹn: Chúng ta sẽ tránh ra một bên, chúng ta đang rút lui," ông Rubio nói. "Ông ta đắc cử bằng lập luận, 'Chúng ta đã rút khỏi Iraq. Chúng ta sẽ sớm rút khỏi Afghanistan. Hãy bầu cho tôi.'"
Nhưng ông Rubio nói rằng ông không ủng hộ điều động quân đội Mỹ ồ ạt để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo một cách trực tiếp. Thay vào đó, theo lời thượng nghị sĩ này, Mỹ phải làm nhiều hơn nữa để quy tụ vùng Trung Đông rộng lớn hơn chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan phái Sunni.
Khuyến nghị của ông dường như tương tự khuyến nghị của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Bernie Sanders, người nói ông sợ rằng điều động tới 50 binh sĩ ở Syria có thể chỉ là sự khởi đầu của một sự can dự lớn hơn.
"50 lính là 50 lính. Nhưng đây là cơn ác mộng của tôi: Cơn ác mộng của tôi là Mỹ lại một lần nữa vướng vào vũng lầy, việc này không bao giờ kết thúc và dẫn tới chiến tranh trường kỳ," ông Sanders nói. "Thế giới phải đến với nhau."
Chiến dịch tranh cử của đồng ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton ra một thông cáo nói rằng bà Clinton "thấy có những điểm đáng ghi nhận" trong việc triển khai binh sĩ hạn chế tới Syria, nhưng phản đối một cuộc chiến trên bộ lớn hơn ở Trung Đông.
Tòa Bạch Ốc đã nhấn mạnh vai trò huấn luyện và hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm gửi tới Syria.
"Lực lượng này không có nhiệm vụ tác chiến," phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết. "Tổng thống kỳ vọng rằng họ có thể có tác động trong việc tăng cường chiến lược của chúng ta cho việc xây dựng năng lực cho lực lượng địa phương bên trong Syria, để đưa cuộc chiến trên bộ tới ISIL trong đất nước của họ."
Các quan chức quốc phòng nói binh sĩ Mỹ sẽ tiến vào Syria trong những tuần tới.