Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nêu lên sự kiện Đại Hội Đồng năm nay diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi lớn tại Bắc Phi và Trung đông.
Ông ghi nhận nhiệm quyền mới đây của sứ mạng được Liên Hiệp quốc hỗ trợ cho Libya và nói đã đến lúc cần hủy bỏ vùng cấm bay do Hội Đồng Bảo An áp đặt và NATO thực thi.
Vùng cấm bay được thiết lập vào tháng Ba để bảo vệ thường dân khỏi bị lực lượng của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, giờ đây đã bị lật đổ, tấn công. Khu vực cấm bay mới đây đã được NATO triển hạn thêm 90 ngày nữa.
Nữ bộ trưởng Ngoại giao trẻ tuổi của Pakistan Hina Rabbani Khar, nói ít có quốc gia nào bị khủng bố tàn hại như quốc gia của bà. Bà nói 30.000 thường dân Pakistan, cảnh sát và lực lượng an ninh đã bị sát hại kể từ năm 2002, và những vụ tấn công vẫn tiếp diễn.
Bà phát biểu:"Nhiều chính trị gia đã mất anh em, mất cha về tay quân khủng bố. Đường phố của chúng tôi đầy những trạm cảnh sát. Chúng tôi không thể đến các công viên, các thương xá, hay các thánh đường, đền thờ mà không bị lục soát, khám xét. Quân khủng bố tấn công các cơ sở quân sự của chúng tôi, những nơi chôn cất các lãnh dạo tinh thần của chúng tôi, tấn công các nhóm thiểu số và tấn công ngay cả những gì là Pakistan."
Bộ trưởng Ngoại giao Khar nói Pakistan quyết tâm diệt trừ khủng bố, không chỉ trên lãnh thổ Pakistan mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới, và bà kêu gọi gia tăng sự hợp tác quốc tế để loại bỏ khủng bố.
Lời nhận định của bà được đưa ra giữa lúc một phát ngôn viên tòa Bạch Ốc khuyến nghị chính phủ Pakistan ”hãy hành động” để đối phó với mạng lưới Haqqani, một nhóm có liên hệ với Taliban bị Washington tố cáo thực hiện những vụ tấn công tại Afghanistan từ căn cứ của họ trong khu vực bộ tộc Bắc Waziristan ở Pakistan.
Trong khi đó bộ trưởng Ngoại giao Miến Điện nói trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng những nỗ lực cải thiện dân sinh bị trở ngại vì những lệnh cấm vận kinh tế, và ông hối thúc bãi bỏ cấm vận.
Tháng 11 năm ngoái, Miến Điện đã mở cuộc bầu cử đầu tiên kể từ hai mươi năm nay. Trên nguyên tắc, chính phủ phải từ bỏ chế độ quân nhân để tiến sang dân chủ, nhưng những người chỉ trích nói thay đổi đến quá chậm, nhất là trong lãnh vực nhân quyền.
Bộ trưởng ngoại giao Miến nói 20.000 tù nhân đã được ân xá giữa tháng Năm và tháng Bảy, nhưng không cho biết có tù nhân chính trị nào trong số được ân xá hay không.
Năm nào cũng thế, luôn luôn có những quốc gia kịch liệt đả kích Hoa Kỳ và các đồng minh tây phương tại cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Năm nay cũng không ra khỏi thông lệ đó.
Mặc dù đã có những cuộc thảo luận mới đây, phó bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Pak Kil Yon đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông nói qua một thông dịch viên: "Chừng nào còn tình trạng thù nghịch giữa Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và Hoa Kỳ, hai phe trong hiệp định đình chiến còn chĩa súng vào nhau, chừng đó không bên nào tin tưởng bên nào và tình trạng đối đầu không tan biến, và tình trạng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên không thể có được."
Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela vẫn đang chữa trị bệnh ung thư nên không thể đích thân đến để đưa ra những lời đả kích hằng năm được, vì vậy ông gửi một phái viên đến làm công việc này thay cho ông.
Phái viên này lên án Hoa Kỳ thực hiện một cuộc chiến tranh đế quốc" trong thập niên qua và trách mắng Liên Hiệp Quốc đã không ngăn chặn hành động đó. Ông ta đặc biệt phẫn nộ về sự can thiệp của Hội Đồng Bảo An vào Libya, đã khiến đưa đến hệ quả là người bạn và là một đồng minh của ông, ông Moammar Gadhafi, bị lật đổ.
Vào ngày cuối cùng của cuộc họp hằng năm của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nhiều quốc gia đã lên diễn đàn. Nước Nga kêu gọi hủy bỏ vùng Cấm Bay tại Libya, trong khi Pakistan nhấn mạnh quyết tâm chống khủng bố; và Bắc Triều Tiên và Venezuela đưa ra những lời lẽ đả kích nặng nề nhắm vào Hoa Kỳ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1