Đường dẫn truy cập

Vấn đề Palestine, khủng hoảng kinh tế bao trùm khóa họp Đại Hội đồng LHQ


Phụ nữ Palestine hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình ủng hộ kế hoạch vận động để được LHQ công nhận là một quốc gia tại thành phố Gaza, ngày 22/9/2011
Phụ nữ Palestine hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình ủng hộ kế hoạch vận động để được LHQ công nhận là một quốc gia tại thành phố Gaza, ngày 22/9/2011

Vấn đề lập quốc của Palestine, các biến chuyển sâu rộng ở Trung Đông, và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã bao trùm phiên khai mạc khóa họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Từ trụ sở tổ chức quốc tế này, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết về cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới trong bài tường thuật sau đây.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã khai mạc phiên họp thứ 66 của Đại hội đồng bằng bản báo cáo của ông về tình trạng thế giới. Tin tức không được tốt đẹp là bao: Có 7 tỷ người trên hành tinh này tranh giành nhau các nguồn lực hạn chế trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xung đột có vũ trang, thiên tai và một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ông Ban nói: “Có những thách thức dị thường. Chúng ta không để đáp ứng bằng những phương sách thường lệ. Chúng ta cần một điều trên tất cả mọi thứ khác. Đó là sự đoàn kết.”

Ông Ban, người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ nhì vào tháng giêng, cũng nói về vấn đề đã bao trùm cuộc họp trong tuần này. Đó là việc Palestine yêu cầu được hưởng quy chế thành viên thực thụ của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ban nói: “Từ lâu chúng ta đã đồng ý rằng người Palestine đáng được hưởng quy chế một quốc gia. Israel thì cần có an ninh. Cả hai đều mong muốn hòa bình. Chúng ta cam kết các nỗ lực không ngừng để giúp đạt được hòa bình qua một giải pháp thương lượng.”

Về phong trào tranh đấu cho dân chủ lan tràn khắp Bắc Phi và Trung Đông, ông Ban nói đó đã là một nguồn khích lệ. Nhưng ông lo ngại về cuộc đàn áp kéo dài 6 tháng của chính phủ Syria nhắm vào người biểu tình, và nói rằng cần phải ngưng bạo động, và lúc này là thời điểm để hành động.

Những quốc gia có đông người Palestine cư ngụ

  • Trong tuần này, người Palestine đang nỗ lực để được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia. Sau đây là những nơi có đông người Palestine cư ngụ.


  • TRÊN TOÀN THẾ GIỚI: Con số của Liên Hiệp Quốc và những cơ quan tị nạn thế giới cho thấy hiện nay có hơn 11 triệu người Palestine trên toàn thế giới.


  • CÁC VÙNG LÃNH THỔ CỦA NGƯỜI PALESTINE: Có hơn 4 triệu người Palestine sống tại Bờ Tây và dải Gaza. Khoảng 1,4 triệu sống tại Israel.


  • JORDAN: Có ít nhất 1,8 triệu người tị nạn Palestine sống tại Jordan, hầu hết trong những trại tị nạn và vùng phụ cận.


  • LIBĂNG VÀ SYRIA: Mỗi nước có từ 400.000 đến 500.000 người Palestine cư ngụ.


  • HOA KỲ: Cục Kiểm tra Dân số Mỹ nói có khoảng 81.700 người tự nhận là Người Mỹ gốc Palestine trong dữ liệu thu thập được giữa năm 2005 và 2009.


  • Cơ quan Cứu trợ và tìm việc làm của Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA) định nghĩa người tị nạn Palestine là “những người có nơi thường trú là vùng Palestine giữa tháng 6 năm 1946 và tháng 5 năm 1948.” Cơ quan này nói những người thuộc dạng này mất nhà cửa và những phương tiện sinh sống vì hậu quả của cuộc chiến tranh Ả Rập Israel năm 1948.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất điều ông hy vọng có thể là một kế hoạch khai thông tình trạng bế tắc về vấn đề Palestine. Ông đề nghị quy chế quan sát viên cho người Palestine tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc như một biện pháp cấp thồi, cùng với việc trở lại các cuộc đàm phán về tình trạng chung cuộc với Israel.

Tổng thống Pháp đề nghị dành một tháng để nói lại các cuộc thảo luận, 6 tháng để tìm ra một thỏa thuận về đường biên giới và an ninh, một năm để đạt được một thỏa thuận chung quyết.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đứng đầu chính phủ từng nói rằng nếu cần sẽ vận dụng đến quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để ngăn phía Palestine đơn phương yêu cầu được thu nhận làm thành viên thực thụ của Liên Hiệp quốc, nói rằng không có con đường tắt để đi đến hòa bình, kể cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Ông Obama nói: “Chế độ Gadhafi đã cáo chung. Gbagbo, Ben Ali, Mubarak không còn nắm quyền nữa. Osama bin Laden đã ra đi, và khái niệm cho rằng sự thay đổi chỉ có thể có được qua bạo động đã bị chôn vùi cùng với hắn ta. Có một điều gì đó đang xảy diễn trong thế giới của chúng ta. Cung cách mọi việc trước đây không phải là cung cách mọi việc trong tương lai.”

Trong một dấu hiệu thay đổi tích cực, cuộc tranh luận thường niên đã được khai mạc lần đầu tiên bởi một vị nữ nguyên thủ quốc gia, bà Dilma Roussef, tổng thống Brazil. Bà mau chóng tuyên bố đây là thế kỷ của phụ nữ, nhưng bà cũng lập lại mối quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo, khi nói về cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt phần lớn thế giới.

Bà Roussef nói giải pháp cho vụ khủng hoảng nợ nần phải được phối hợp với sự tăng trưởng kinh tế. Bà Roussef nói qua lời một thông dịch viên.

Bà Roussef nói: “Điều cũng rõ ràng và đơn giản là ưu tiên của nền kinh tế thế giới ở thời điểm này phải là giải quyết các vấn đề các nước đang phải ứng phó với một vụ khủng hoảng nợ nần khủng khiếp và đảo ngược tình huống suy thoái hiện nay.”

Cùng với nhiều vấn đề khác, Tổng thống Brazil kêu gọi cải cách các cơ chế tài chính quốc tế, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thao túng thương mại, chấm dứt tình trạng thao túng tỷ giá hối đoái.

Bên lề cuộc tranh luận thường niên trong tuần này, các nhà lãnh đạo cũng sẽ mở các cuộc họp về một số vấn đề cấp bách khác, trong đó có nạn đói ở Sừng Phi châu, vấn đề cấm phổ biến hạt nhân, và chống khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG