Bà Sybella Wilkes, phát ngôn viên của UNHCR cho biết số tử vong thực sự có thể còn cao hơn nhiều. Bà nói số liệu này chỉ là ước tính, và nhiều con thuyền có thể đã bị chìm mà không ai biết. Bà nói:
“Về mọi mặt thì coi như đây là một năm khủng khiếp. Về cơ bản, tình hình khởi sự với các chính thể sụp đổ tại Tunisia và Libya, mở ra những lộ trình trốn chạy sang châu Âu. Nhưng điều đó có nghĩa là một số những người dễ bị tổn hại nhiều nhất thế giới, đã bị các thành phần chở người lậu lừa bịp và rơi vào những tình huống đe dọa tính mạng nhiều nhất.”
Phương cách của bọn chở lậu người trên địa Trung Hải khác với bọn trên Vịnh Aden. Tại vùng Vịnh, họ thường cướp của, giết người hoặc quăng những người đào tỵ Ethiopia và Somali xuống biển trên đường đi Yemen.
Bà Wilkes giải thích những chuyện xảy ra trên Địa Trung Hải:
“Điều chúng tôi nghe được là chính bọn chở lậu người thực sự không có mặt trên tàu. Họ gom những người muốn đi tỵ nạn hay di dân, bắt phải tự điều khiển tàu. Cho nên, trong một số những tình huống, chúng ta thấy những tàu đó bị lạc đường khủng khiếp, hết nước uống. Trong một số trường hợp, hành khách quay lại cãi cọ, đánh nhau, giết nhau, trên những tàu bè không thể dùng đi biển được.”
Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 58.000 người tỵ nạn và di dân đã từ châu Phi tới châu Âu vào năm 2011. Bà Wilkes nói:
“Trong số này, đa số, khoảng 56 ngàn người đã tới Ý và số còn lại tới Hy Lạp và Malta bằng đường biển. Cũng có một số lớn, khoảng 55.000 đi bằng đường bộ qua biên giới vào Hy Lạp.”
Cho đến năm nay 2012, UNHCR cho biết 3 chiếc tàu đã toan vượt biển từ Libya bất chấp biển động và thời tiết xấu. Một trong 3 chiếc tàu chở 55 người đã báo nguy bị hư máy vào ngày 14 tháng Giêng và rồi mất tích. Kể từ lúc đó, các giới chức hải quân Libya cho biết có thi thể 15 người Somali giạt vào bờ vào tuần qua, trong số đó có 12 phụ nữ, 2 người đàn ông và một bé gái. Bà Wilkes nói thêm:
“Hẳn nhiên, những chuyến người tỵ nạn gần đây nhất có rất đông người Somali. Theo qui định của chúng tôi, tất cả những người này tự động được nhận qui chế tỵ nạn vì tình hình hiện nay tại Somalia. Cho nên, rõ ràng họ là những người dễ bị tổn thương. Đa số là phụ nữ và trẻ em cố gắng thực hiện cuộc hải trình khủng khiếp này.”
Người Somali tại Libya nói với UNHCR rằng tại đây họ bị phân biệt đối xử rất nhiều. Cho nên, họ và cả những người châu Phi khác đều nói điều cần thiết là họ phải đến được châu Âu. Bà Wilkes kết luận:
“Đối với người tỵ nạn từ Somalia, từ Eritrea, đa số các trường hợp họ không thể chọn lựa giải pháp hồi hương. Cho nên, đây là nơi họ theo đuổi thủ tục làm đơn xin tỵ nạn, mong tìm được một quê hương mới.”
Những người tới được châu Âu được các nhân viên UNHCR và những nhân viên thuộc các cơ sở nhân đạo châu Âu đón tiếp. Cơ quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết họ hoan nghênh những cố gắng của chính quyền Ý, Malta và Libya đi cứu tàu bè lâm nạn.
Cơ quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi thuyền trưởng những con tàu di chuyển trên biển Địa Trung Hải hãy để ý cứu giúp thuyền bè chở người tỵ nạn.
Địa Trung Hải là vùng biển gây chết chóc nhiều nhất trong năm 2011, đối với người tỵ nạn và và các di dân. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, cho biết hơn 1.500 người đã chết đuối hoặc mất tích khi chạy trốn từ châu Phi qua châu Âu.