Hôm thứ Năm Hoa Kỳ đã chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc, nêu lên những quan ngại về những hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt lên những công dân nào dám nêu lên những thắc mắc về chính sách của chính phủ.
Bản phúc trình về nhân quyền năm 2009 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng việc bắt giữ và xách nhiễu những nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc năm ngoái đã gia tăng, và rằng các luật sư phục vụ cho công ích có nguy cơ bị đàn áp và trục xuất khỏi luật sư đoàn.
Bản phúc trình thường niên về nhân quyền trình bày những tin chi tiết về những người dân Tây Tạng bị tra tấn và buộc phải lao động khổ sai sau khi từ Nepal hồi hương. Phúc trình cũng ghi nhận sự đàn áp văn hóa và tôn giáo nghiêm trọng đối với các sắc tộc thiểu số trong vùng Tân Cương.
Với Bắc Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi thành tích nhân quyền của nước này là tồi tệ, với những vụ giết người không xét xử, các vụ mất tích cũng như tùy tiện bắt giữ.
Bản phúc trình cũng nêu lên quan ngại tương tự về những vụ giết người không xét xư tại Miến Điện, nơi các lực lượng chính phủ còn cho phép thủ tiêu, hãm hiếp và tra tấn.
Phúc trình cũng phê phán tình hình nhân quyền của Kampuchea, tố cáo lực lượng an ninh nước này hành động sai trái mà không bị trừng phạt.
Tại Lào, bản phúc trình nói chính phủ nước này vi phạm quyền riêng tư, và vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí của người dân.
Nạn tham ô của cảnh sát Thái Lan cũng bị chê trách. Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo nhân viên an ninh Thái sử dụng vũ lực quá đáng đối với các nghi can hình sự.
Liên quan đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ nói tình hình nhân quyền tại đây vẫn còn nhiều rắc rối, vì các phong trào đối lập bị cấm đoán và tự do báo chí bị hạn chế.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngợi khen Indonesia, cho rằng trong năm qua, chính phủ nước này nói chung đã tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, bản phúc trình cho biết vẫn còn một số vấn đề tại đây, gồm những vụ giết người của lực lượng an ninh, điều kiện khắc nghiệt trong nhà tù và nạn tham ô trong hệ thống pháp lý.