Giống như Tổng thống Obama, bà Clinton không chịu bình luận về chỗ ở của ông Trần Quang Thành và liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có đang tìm cách đạt thỏa thuận về số phận của ông này hay không.
Trả lời các nhà báo có mặt tại Bộ Ngoại giao trước giờ lên đường đi Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu:
“Tôi không muốn nói trường hợp cụ thể nào vào lúc này nhưng tôi muốn đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn. Quan hệ Hoa Kỳ Trung Quốc là quan trọng, quan trọng chẳng những cho Tổng thống Obama và tôi, mà còn quan trọng nhân dân Hoa Kỳ và thế giới. Chúng tôi đã ra sức xây dựng một mối quan hệ hiệu quả, xây dựng, toàn diện để cho phép chúng tôi tìm ra các phương cách làm việc chung với nhau.”
Bà nói quan hệ xây dựng bao gồm thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực hai nước có bất đồng, kể cả nhân quyền:
“Đó là tinh thần chỉ đạo cho tôi trong lúc tôi lên đường đi Bắc Kinh tối nay, và tôi bảo đảm chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận tất cả vấn đề, kể cả nhân quyền, vẫn còn tồn tại giữa hai nước.”
Bộ trưởng Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đứng đầu phái đoàn Mỹ đến dự cuộc họp mang tên Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng các nhà báo vẫn đeo đuổi Ngoại trưởng Mỹ về trường hợp của ông Trần Quang Thành, họ hỏi cụ thể về những người bà con của ông này đã bị bắt. Câu này được bà Clinton trả lời như sau:
“Tôi có lịch làm việc dài về nhiều đề tài mà chúng tôi quan tâm, kể cả nhân quyền và quyền tự do di chuyển của người dân bên trong Trung Quốc, là những người có quyền hành xử các quyền này dựa trên Tuyên ngôn Nhân quyền của quốc tế.”
Ông Trần bị quản chế tại gia từ năm 2010. Ông biến mất khỏi một xã trong tỉnh Quảng Đông hôm 22 tháng Tư và mãi đến 26 nhà chức trách Trung Quốc mới biết.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lên đường đi Trung Quốc vào tối thứ Hai với lời hứa sẽ nêu vấn đề nhân quyền với Bắc Kinh, vào lúc quan hệ hai nước đang căng thẳng do vụ ông Trần Quang Thành.
Đọc nhiều nhất
1