Các phi hành gia trên phi thuyền con thoi Discovery của Mỹ trở về trái đất trong tuần này, giữa lúc có nhiều thay đổi lớn trong chương trình không gian Hoa Kỳ.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi các công ty tư nhân, chứ không phải Cơ quan Không Gian Hoa kỳ, NASA, hãy đưa các phi hành gia trở lại quỹ đạo.
Kế hoạch của ông cùng lúc chấm dứt một chương trình của chính phủ đưa người trở lại mặt trăng. Nhà lãnh đạo Mỹ nói:
”Tôi biết một số người tin rằng chúng ta trước tiên nên tìm cách đưa phi thuyền có người lái trở lại mặt trăng như đã hoạch định. Nhưng tôi xin phép được nói có hơi thẳng thừng rằng: Chúng ta đã lên mặt trăng rồi.”
Một số quốc gia khác chưa làm được điều đó. Những người chỉ trích Tổng Thống Obama nói cắt bỏ chương trình trở lại mặt trăng có thể phương hại đến vị thế lãnh đạo của Hoa kỳ trong cuộc thám hiểm không gian.
Ông Dean Cheng, một chuyên gia về các vấn đề an ninh và chính trị Trung Quốc, làm việc cho Hội Heritage tại thủ đô Washington, nhận định:
”Không có mối đe dọa trực tiếp nào liên quan tới vấn đề này ở đây. Không ai nói tới việc lập ra những căn cứ trên mặt trăng để ném đá vào Trái đất, chẳng hạn. Nhưng điều đáng nói ở đây là vấn đề liên quan tới tinh thần quốc gia, linh hồn của đất nước, và là một khẳng định về vị thế của mỗi nước trong lĩnh vực phát triển công nghệ.”
Trung Quốc gia nhập một câu lạc bộ ưu tú khi phi hành gia Dương Lợi Vĩ bay vào không gian vào năm 2003.
Bốn năm sau đó, Bắc Kinh làm toàn thế giới kinh ngạc khi bắn rơi một vệ tinh.
Trung Quốc có kế hoạch đưa một xe tự hành lên mặt trăng vào năm 2012. Và năm tới, Trung Quốc sẽ phóng một phòng thí nghiệm không gian nhỏ để thực tập ráp nối vào một trạm không gian trên quỹ đạo, một phần thiết yếu trong các sứ mạng đưa phi hành gia lên mặt trăng và các hành tinh khác.
Bà Joan Johnson Freese thuộc trường đại học Chiến tranh của Hải quân Hoa kỳ tại Rhode Island nói là ngay cả trong trường hợp không thực hiện các sứ mạng đưa người lên mặt trăng trở lại, Hoa Kỳ tiếp tục là một nước hàng đầu trong không gian. Bà Johnson -Freese giải thích:
”Hoa kỳ hàng năm chi ra 16 tỉ đô la hay hơn nữa vào những chuyến bay có người lái. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng chi hơn 20 tỉ đô la vào những chương trình quân sự không gian được bảo mật. Trong khi đó, Trung Quốc hàng năm chi ra khoảng 2 tỉ đô la.”
Tuy nhiên bà thừa nhận rằng chương trình không gian của Trung Quốc đưa đã nước này lên một tầm cao mới về mặt địa-chính trị.
”Trung Quốc là nước thứ ba có khả năng đưa người lên không gian, sau chỉ có Hoa Kỳ và Nga. Điều này phản ánh vị thế của Trung Quốc dẫn đầu khu vực về mặt công nghệ.”
Nhà sử học Jeffery Wassertstrom thuộc trường đại học California tại Irvine nhận định rằng Trung Quốc đang nỗ lực giành lại vị thế cường quốc mà nước này từng nắm giữ nhiều thiên niên kỷ về trước. Sử gia Wassertstrom nói:
“Trung Quốc từng là một trong các quốc gia mạnh và phát triển nhất thế giới, tuy nhiên sau đó đã trải qua một thời kỳ tương đối suy sụp và bị các quốc gia khác hiếp đáp.”
Chương trình không gian của Bắc Kinh còn nhằm phục vụ những lợi ích thiết thực như thu về lợi lộc tài chính và tạo ra những quan hệ đồng minh.
Trung Quốc đã bán vệ tinh cho Venezuela và Nigeria và đang có kế hoạch chế tạo một vệ tinh trị giá 300 triệu đô la cho Bolivia .
Phân tích gia Dean Cheng của Hội Heritage nói:
”Không phải là điều ngẫu nhiên khi cả hai nước Venezuela và Nigeria đều có dầu hỏa. Bolivia là một trong những quốc gia có nguồn Lithium lớn nhất thế giới, đây sẽ là một vật liệu thiết yếu dùng cho những xe hơi chạy bằng điện.”
Những thỏa thuận như thế này đều có tính công khai nhưng hầu hết các chương trình không gian của Trung Quốc thì không.
Ông Cheng nói bí mật bao trùm các chương trình không gian Trung Quốc làm cho nhiều giới chức Hoa Kỳ quan tâm. Ông nhận xét:
”Hầu hết ha tầng cơ sở về không gian của Trung Quốc đều do Quân đội Giải phóng Nhân dân quản lý. Do đó có sự hiện diện của yếu tố quân sự trong chương trình này. Trong các cuộc xung đột xảy ra sau Chiến tranh lạnh mà Hoa Kỳ từng can dự, chưa có kẻ thù nào có khả năng về không gian.”
Ông Cheng nói điều này có thể thay đổi nếu Trung Quốc bán công nghệ không gian cho nhiều nước khác.
Các nhà phân tích cho rằng sự kiện Bắc Kinh và Washington không tin cậy lẫn nhau, đã giới hạn những hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực không gian.
Tuy nhiên theo chuyên viên phân tích Joan Johnson-Freese của trường đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, thì có những lý do về an ninh quốc gia để xét lại chính sách đó. Bà nói:
”Chúng ta sẽ biết rõ hơn về những gì Trung Quốc đang làm - công nghệ của họ đã đi đến đâu, và họ có khả năng thủ đắc thêm những công nghệ nào.”
Bà Johnson-Freese nói rằng ngay cả trong trường hợp Washington đề nghị hợp tác với Bắc Kinh, Trung Quốc có thể không chấp nhận lời mời đó.
Bà nhận định rằng tương tự như Hoa Kỳ vào những năm 1960, mục tiêu của chương trình không gian Trung Quốc là nâng cao uy tín quốc gia trên trái đất, song song với việc thám hiểm không gian.
Cách đây hơn 4 thập niên, Hoa kỳ đã thắng trong cuộc chạy đua với Liên bang Xô-viết lên Mặt trăng. Giờ đây, các chuyên gia nói rằng những thay đổi trong chính sách của Hoa kỳ có thể lót đường cho những nước khác chiếm vị thế lãnh đạo công cuộc thám hiểm không gian. Thông tín viên Kate Woodsome tường trình về sự xuất hiện của Trung Quốc và vai trò của nước này trong không gian.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1