Ngõ cụt về tình hình ngân sách chính phủ Mỹ đang diễn ra tại Washington cũng tương tự như một vụ tranh cãi về chi tiêu xảy ra vào cuối năm 1995 và đầu năm 1996 đưa tới hai vụ đóng cửa của nhiều hoạt động chính phủ.
Cũng giống bây giờ, hồi đó cuộc tranh cãi chính trị liên quan đến Tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng Dân Chủ, và khối đa số Đảng Cộng Hòa mới được bầu vào Hạ viện, tìm cách ngăn chặn chi tiêu của chính phủ.
Trong tiến trình, khoảng 800.000 công chức liên bang đã bị “furlough”, một thể thức cho nghỉ việc không lương trong trường hợp chính phủ đóng cửa.
Một con số tương đương như vậy cũng có thể bị tạm nghỉ việc lần này, nếu Tổng thống Đảng Dân Chủ Barack Obama không đạt được một thỏa hiệp về một kế hoạch chi tiêu với khối đa số Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, do chủ tịch John Boehmer dẫn đầu.
Hai nhân vật chính yếu trong cuộc tranh cãi cách đây 15 năm là ông Clinton và ông Newt Gingrich, Chủ tịch Hạ Viện thuộc Đảng Cộng Hòa nắm quyền lãnh đạo Hạ Viện sau các cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 1994.
Ông Gringrich gọi cương lĩnh vận động của ông là “Hợp đồng với nước Mỹ”, đòi cắt giảm mạnh trong chi tiêu của liên bang và thông qua một tu chính án về cân bằng ngân sách cho hiến pháp Hoa Kỳ.
Khi phần lớn đề xuất của Đảng Cộng Hòa không được thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát thông qua, ông Gingrich và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã tìm cách đòi cắt giảm lớn trong chi tiêu của chính phủ liên bang trong bảo hiểm y tế dành cho người già và người nghèo, tương tự như điều mà Đảng Cộng Hòa đang làm hiện nay.
Và cũng như hôm nay, các nhà làm luật và Tổng thống giữ cho chính phủ khỏi phải đóng cửa bằng cách thông qua một biện pháp tài trợ ngắn hạn.
Nhưng, vào năm 1995, sau khi Tổng thống Clinton phủ quyết một dự luật về chi tiêu của Đảng Cộng Hòa mà ông cho là quá ít cho những chương trình y tế và giáo dục, chính phủ đã phải đóng cửa 6 ngày vào tháng 11.
Kế đó thì một kế hoạch chi tiêu ngắn hạn được chấp thuận, nhưng rồi cũng hết hạn.
Chính phủ lại đóng cửa lần thứ 2 trong 22 ngày, từ giữa tháng 12 năm 1995 cho đến đầu tháng Giêng năm 1996.
Sau cùng, Quốc hội và Tổng thống Clinton đồng thuận về một kế hoạch ngân sách quân bình 7 năm, nhưng tu chính án quân bình ngân sách cho hiến pháp đã không được chấp thuận.
Rồi cũng như bây giờ, thành viên 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa qui lỗi cho nhau về tranh chấp ngân sách.
Nhưng hồi đó, công luận có vẻ thiên về Tổng thống và Đảng Dân Chủ. Còn ngày nay, phần lớn các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số cử tri qui lỗi cho đảng Cộng Hòa và cho đảng Dân Chủ tại Washington về sự bế tắc ngân sách đều ngang ngửa với nhau.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1