Dự thảo nghị quyết mới chứa các biện pháp chế tài quyết liệt, trong đó có những hạn chế đối với việc Iran nhập các loại vũ khí quy ước, hạn chế về hoạt động phi đạn đạn đạo của Iran và việc áp đặt các lệnh cấm du hành và phong tỏa tài sản đối với các thành viên được chỉ định thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng đầy thế lực.
Nghị quyết sẽ thiết lập một khung sườn toàn diện mới cho những cuộc thanh sát hàng hóa ở các bến cảng và trên biển khơi, đòi hỏi các quốc gia lục soát bất cứ các tầu thuyền nào mà họ có lý do để tin là đang chở hàng cấm và tịch thu hay tiêu hủy số hàng đó.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, bà Susan Rice nói mục tiêu của nghị quyết có hai mặt.
Bà Rice cho biết: “Thứ nhất là để gia tăng thiệt hại cho giới lãnh đạo Iran vì liên tục chống lại cộng đồng quốc tế. Và thứ nhì là để thuyết phục Iran rằng giải quyết một cách êm thắm các mối quan ngại về chương trình hạt nhân của họ là điều có lợi cho họ. Bản dự thảo tìm cách hỗ trợ chứ không phải thay thế các nỗ lực của chúng tôi là giao tiếp với Iran về mặt ngoại giao. Chúng tôi đã nói trong suốt tiến trình này rằng cánh cửa vẫn để ngỏ cho Iran tuân thủ các nghĩa vụ của mình và đạt được một mối bang giao tốt đẹp hơn với cộng đồng quốc tế.”
Hoa Kỳ đã dẫn đầu trong việc làm áp lực đòi các biện pháp chế tài mới. Trước đó trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố thỏa thuận hoán chuyển nhiên liệu do Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất mà Tehran đã đồng ý trong tuần này vẫn còn để lại một “số câu hỏi chưa được giải đáp”, nhưng các biện pháp chế tài quyết liệt sẽ gửi đến giới lãnh đạo Iran một “thông điệp không thể nhầm lẫn được” về những gì người ta trông đợi ở họ.
Iran nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ có tính cách tuyệt đối hòa bình, nhưng các cường quốc thế giới tin rằng Iran đang bí mật tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Dự thảo nghị quyết mới có ý nghĩa ở điểm là nó chứa các biện pháp quyết liệt mới và được sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, là hai cường quốc từng miễn cưỡng trong việc áp đặt các biện pháp chế tài mới.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rằng Moscow chấp nhận dự thảo nghị quyết bởi vì nghị quyết này không có ý gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế bình thường hay cho thường dân của Iran.
Ông Churkin nói: “Chúng tôi tin rằng lời lẽ của nghị quyết là ổn thỏa; đó là loại ngôn từ mà chúng tôi có thể chấp nhận được; một loại ngôn từ mà chúng tôi có thể chịu đựng, bởi vì nó tập trung ổn thỏa vào các vấn đề cấm phổ biến hạt nhân.”
Đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông lập lại cam kết của chính phủ ông đối với đường lối song hành vừa giao tiếp vừa làm áp lực có liên quan đến Iran và hoan nghênh thông báo về thỏa thuận hoán chuyển nhiên liệu.
Ông Lý nói: “Chúng tôi cho rằng đây là một bước tích cực đi theo đúng chiều hướng. Và tôi cho rằng tất cả các bên nên nắm lấy cơ hội này để tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề này.”
Nhưng đại sứ Pháp Gerard Araud lập luận rằng việc hoán chuyển nhiên liệu chỉ nhắm mục đích như một biện pháp xây dựng niềm tin, chứ tự nó không phải là một mục tiêu. Ông nói Iran vẫn còn vi phạm các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, đã không đình chỉ việc tinh chế uranium và đã không đáp lại các câu hỏi còn tồn tại cho Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế.
Các nhà ngoại giao nói họ hy vọng một cuộc biểu quyết giữa toàn thể hội đồng sẽ diễn ra càng sớm càng tốt, nhưng chưa rõ phải bao lâu nữa việc đó mới thực hiện được.
Hôm qua, Hoa Kỳ đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc một dự thảo nghị quyết chứa vòng thứ tư các biện pháp chế tài gắt gao nhằm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran. Dự thảo này là sản phẩm của nhiều tuần lễ thương nghị giữa 5 thành viên có quyền biểu quyết của Hội đồng Bảo an, và nước Đức. Dự thảo cũng được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Iran đồng ý về một thỏa thuận do các thành viên trong Hội đồng là Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra điều giải, theo đó Iran sẽ xuất một số uranium đã được tinh chế để đổi lấy nhiên liệu cho một lò phản ứng khảo cứu y khoa. Từ trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, thông tín viên VOA Margaret Besheer gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1