Đường dẫn truy cập

Một số các nhà tạo mẫu y phục giúp đem ngành dệt may trở lại Hoa Kỳ


Người Mỹ đang đòi hỏi hàng được sản xuất tại Mỹ hơn
Người Mỹ đang đòi hỏi hàng được sản xuất tại Mỹ hơn

Các chuyên gia thời trang tại Mỹ cho biết ngày càng có nhiều người tiêu dùng Hoa Kỳ muốn chọn quần áo sản xuất trong nước. Một số các nhà tạo mẫu đang cố gắng đáp ứng yêu cầu trên bằng việc chuyển cơ sở của họ trở lại Mỹ. Ngành chế tạo y phục tại Los Angeles hiện đang là ngành công nghiệp lớn nhất tại đây.

Từ nhiều thập niên, các công ty Hoa Kỳ, trong đó có nhiều công ty thuộc ngành dệt may, đã chuyển việc sản xuất ra hải ngoại, nơi nhân công cũng như chi phí sản xuất rẻ hơn.

Những nhãn hiệu cho thấy một món hàng thành phẩm được chế tạo ở ngoài Hoa Kỳ là chuyện bình thường. Nhưng xu hướng này có vẻ đang thay đổi.

Tại nam California, hơn 150.000 người làm việc tại một trong những trung tâm dệt may quần áo lớn nhất Hoa Kỳ. Bà Ilse Metchek là chủ tịch hiệp hội thời trang California Fashion.

Bà nói người Mỹ đang đòi hỏi nhiều hàng chế tạo tại Mỹ hơn, một phần vì ý niệm rằng một số nước đã áp dụng những cung cách thuê mướn lao động và thương mại tệ hại:

“Tất cả những chuyện liên quan đến việc Trung Quốc không tuân thủ luật lao động, Trung Quốc thao túng đồng tiền của họ. Mọi người biết rất rõ; họ có thể không biết từng chi tiết, nhưng họ có nghe nói về những điều đó.”

Một nhân tố khác ảnh hưởng đến nhu cầu dùng hàng trong nước là cơn suy thoái tại Mỹ, và tỉ lệ thất nghiệp cao.

Bà Kathleen Hudak, một người mua hàng tại địa phương, tỏ ý hy vọng mua sản phẩm trong nước sẽ giúp người Mỹ có việc làm trở lại:

“Đặc biệt là trong nền kinh tế hiện tại và tình trạng thất nghiệp, tôi muốn thấy tiền bạc của tôi đi theo hướng có thể giúp đỡ những công nhân của đất nước chúng ta.”

Một phúc trình của Hiệp hội Thời trang California cho biết lương lậu tại Trung Quốc tăng lên do lực lượng lao động hạ giảm vì chính sách “Một con” của Trung Quốc.

Công nhân may mặc đổi sang những ngành công nghiệp trả lương cao hơn, điều kiện làm việc và giờ giấc tốt hơn ở Trung Quốc.

Ông Lonnie Kane, giám đốc công ty Karen Kane, đồng ý là những nhân tố kinh tế tại Trung Quốc có gây tác động:

“Tại Trung Quốc, vì mức sinh hoạt tăng cao, nên lương lậu cũng tăng.”

Điều này, cộng thêm giá phí chuyên chở gia tăng và những vấn đề chất lượng, đã khiến ông Kane phải tính chuyện sản xuất quần áo ngay tại nước Mỹ nhiều hơn.

Nhiều nhà tạo mẫu và nhà bán lẻ đồng ý rằng sản xuất hàng trong nước giúp họ điều hành doanh nghiệp dễ dàng hơn. Ông Frank Doroff, phó chủ tịch công ty Bloomingdale, một hệ thống cửa hàng bán quần áo và sản phẩm cao cấp nói:

“Tôi tìm kiếm những sản phẩm làm tại Hoa Kỳ, vì mối quan hệ tôi có thể phát huy với công ty sản xuất, và sự nhanh chóng đem nó vào các cửa tiệm, thêm vào đó sự chắc chắn rằng người chế tạo có mặt ngay tại đó, và chất lượng cũng có ngay tại đó.”

Tuy nhiên, Hiệp hội Thời trang California nói Hoa Kỳ sẽ không bao giờ là 1 trong những nước hàng đầu về sản xuất hàng may mặc, một phần bởi vì quá nhiều máy móc và tay nghề giỏi đã bị thất thoát, khi công nghiệp này đưa ra nước ngoài cách nay nhiều thập niên. Cho nên, nếu giá cả tại Trung Quốc trở nên quá đắt, điều đơn giản là ngành chế tạo sẽ chuyển sang những nước có chi phí sản xuất hạ hơn, như Bangladesh và Kampuchea.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG