Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh loan báo ý định của Bắc Triều Tiên trả tự do cho doanh nhân California, ông Eddie Jun, dù rằng bộ này nói cử chỉ này không là một yếu tố trong quyết định viện trợ lương thực mới của Mỹ cho Bình Nhưỡng.
Quyết định trả tự do cho ông Jun được chuyển cho đặc sứ Mỹ phụ trách về nhân quyền Bắc Triều Tiên Robert King. Ông King đến Bình Nhưỡng hôm thứ Ba cùng với một toán chuyên viên Mỹ để đánh giá nhu cầu lương thực của Bắc Triều Tiên.
Các giới chức ở đây nói ông King sẽ rời Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy trong khi ông Jun trở về Mỹ trong một chuyến đi khác.
Tin tức truyền thông cho biết ông Jun đến Bắc Triều Tiên để truyền giáo, trong khi Bắc Triều Tiên nói ông nhìn nhận đã phạm tội chống lại nhà nước cộng sản nhưng không được xác định rõ.
Bắc Triều Tiên đã yêu cầu Hoa Kỳ và một số quốc gia khác giúp đỡ về lương thực vì mùa màng giảm sút do thời tiết xấu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói quyết định của Bình Nhưỡng là một bước tích cực. Tuy nhiên ông nói thêm chưa xác định được bất cứ quyết định viện trợ lương thực nào.
Ông Toner nói: “Bất cứ quyết định nào về viện trợ lương thực cũng không có liên hệ gì đến những quyết định về chính sách. Đây là một tiến trình riêng rẽ. Chúng ta có một toán lượng giá về lương thực tại Bắc Triều Tiên. Họ đang thi hành nhiệm vụ của họ. Khi họ trở về chúng ta sẽ xem xét lượng giá của họ, nghiên cứu và so sánh với những lượng giá của nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhau và của Chương trình Lương thực Thế giới và sẽ quyết định căn cứ trên những lượng giá đó.”
Hoa Kỳ là quốc gia viện trợ lương thực nhiều nhất cho Bắc Triều Tiên trong những năm qua, gồm có việc chuyển vận một số lượng lớn lương thực cho Bắc Triều Tiên trong trận đói vào những năm 1990. Tuy nhiên viện trợ này bị ngưng vào năm 2008 vì có bất đồng để theo dõi xem số lương thực đó sẽ được chuyển cho ai.
Tuần qua, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ viết thư cho Ngoại trưởng Hillary Clinton yêu cầu thận trọng trong việc cung cấp viện trợ mới, họ nói rằng dù Bắc Triều Tiên có vấn đề thiếu lương thực kinh niên, Hoa Kỳ nên tránh những bước có thể làm người ta có cảm tưởng đang ủng hộ chính phủ cộng sản tại đó.
Chuyến viếng thăm của ông King, là chuyến đi đầu tiên của một đặc sứ nhân quyền Mỹ đến Bắc Triều Tiên, được nhiều người xem nạn khan hiếm lương thực của Bắc Triều Tiên đang ở mức báo động.
Các chuyên gia về viện trợ cùng đi với ông King sẽ lưu lại Bắc Triều Tiên thêm vài ngày nữa để đánh giá về nhu cầu lương thực tại một số vùng xa xôi hẻo lánh của nước này.
Hoa Kỳ hoan nghênh Bắc Triều Tiên loan báo sẽ trả tự do cho một công dân Mỹ bị giam từ tháng 11 năm ngoái về một tội không được biết rõ. Hành động này xảy ra khi một nhà ngoại giao cao cấp Mỹ kết thúc chuyến công tác đến Bắc Triều Tiên để đánh giá viện trợ lương thực.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1