Phản ứng của Hoa Kỳ được Tổng thống Barack Obama xác định trong một văn bản thông cáo, gọi vụ ám sát ông Bhatti là một 'hành vi bạo lực ghê tởm', và nói ông hết sức đau buồn trước cái chết này.
Ông Bhatti là thành viên nội các duy nhất theo Cơ đốc giáo, và trở thành giới chức cấp cao thứ hai của Pakistan bị ám sát vì phản đối bộ luật báng bổ. Hồi tháng giêng, thống đốc bang Punjab là ông Salman Taseer đã bị một trong các tay cận vệ sát hại.
Tổng thống Obama nói ông Bhatti đã tranh đấu và hy sinh tính mạng cho những giá trị phổ cập mà người Pakistan, người Mỹ và những người khác trên toàn thế giới quý trọng – đó là quyền được bầy tỏ ý kiến, được theo tôn giáo của mình và được tự do không bị kỳ thị dựa vào nguồn gốc hay niềm tin của mình.
Xuất hiện trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố vụ sát hại này là một cuộc tấn công không những vào một người thôi và vào các giá trị của sự dung chấp và tôn trọng tất cả các tôn giáo mà đi tiên phong chính là người lập quốc Pakistan, Mohammed Ali Jinnah.
Bà Clinton nói: “Mới đây, tôi đã có dịp gặp Bộ trưởng Bhatti. Ông là một người rất can đảm và gây cho tôi nhiều ấn tượng. Ông là một người yêu nước, quan tâm sâu xa tới Pakistan và ông đã cống hiến cuộc đời mình để giúp cho những người yếu kém nhất trong chúng ta.”
Bà Clinton nói ông Bhatti biết rõ về điều mà bà gọi là “tiếng trống đe dọa dồn dập chống lại ông,” tuy nhiên ông đã đồng ý tiếp tục làm bộ trưởng lo về sắc tộc sau cuộc cải tổ nội các Pakistan mới đây.
Bà Clinton nói bà lấy làm kinh động và phẫn nộ trước cái chết của ông Bhatti, mà bà nói thực đáng tiếc lại là một xu hướng rộng lớn hơn của thái độ bất dung chấp đối với các tôn giáo của khối thiểu số.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Cuộc tấn công vào người Cơ đốc giáo ở Iraq, những vụ tấn công vào người Copt ở Ai Cập, vụ tấn công vào các giáo phái Hồi giáo thiểu số ở Pakistan và các nơi khác là một vấn đề gây quan ngại cực kỳ cho cá nhân tôi cũng như cho chính phủ Hoa Kỳ. Nó đi ngược lại với tất cả các giá trị của chúng ta và chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể được để ủng hộ quyền tự do tôn giáo, quyền tự do lương tâm và hợp tác với các chính phủ ở mọi nơi để họ có thể bảo vệ cho các giá trị phổ cập.”
Vụ ám sát ông Bhatii cũng bị Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ lên án. Đây là một ủy ban giám sát độc lập được thành lập qua một bộ luật Quốc Hội năm 1998.
Chủ tịch Ủy ban, ông Leonard Leo nói rằng vụ sát hại chứng tỏ sự dã man của hệ thống các luật lệ báng bổ của Pakistan, mà ông cho rằng không duy trì hòa bình mà chỉ giúp khích lệ các phần tử cực đoan.
Sau khi xảy ra các vụ sát hại ông Bhatti và người lãnh đạo Punjab Taseer, ông Leo nói rằng Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari phải có can đảm để thực thi những cải cách có ý nghĩa bộ luật báng bổ, nếu không thì Pakistan có thể sẽ lạc hướng.
Hoa Kỳ bày tỏ sự kinh động và phẫn nộ trước vụ Bộ trưởng bộ Sắc tộc của Pakistan bị ám sát hồi hôm qua. Ông Shahbaz Bhatti, một người theo Cơ đốc giáo đã tìm cách tu chính một bộ luật đòi kết án tử hình những người phỉ báng đạo Hồi. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố vụ sát hại ông Bhatti mà Taliban bị cho là thủ phạm, nằm trong một xu hướng bất dung chấp tôn giáo đáng ngại ở Nam Á và Trung Đông. Từ Bộ Ngoại giao, thông tín viên VOA David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1