Mấy mươi ngàn nhân viên quân sự Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đang tham gia cuộc thao dượt hải quân hỗn hợp thường niên có tên là Ulchi Người Bảo vệ Tự do (Ulchi Freedom Guardian). Cuộc tập trận này kéo dài 10 ngày ở Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng ở Seoul cho hay cuộc diễn tập này có mục đích mô phỏng việc phá hủy những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên. Các viên chỉ huy của quân đội Mỹ nói rằng cuộc diễn tập này có tính chất thường lệ và chú trọng vào việc phòng ngự.
Phát biểu thông qua các cơ quan truyền thông nhà nước, chính phủ ở Bình Nhưỡng hối thúc Seoul và Washington hủy bỏ các cuộc tập trận vì những hành động này làm gia tăng mối rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Một xướng ngôn viên của Đài phát thanh Bắc Triều Tiên nói rằng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên phải hủy bỏ các cuộc tập trận chống lại Bắc Triều Tiên nếu muốn bình thường hóa quan hệ.
Hoàng Hải là vùng biển có tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên vì đường ranh giới trên biển có tên là Đường Giới hạn phiá Bắc, vốn được vạch ra vào năm 1953 khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Một số các nhà quan sát nói rằng gọi lằn ranh này là đường biên giới thật ra là một cách gọi sai lạc.
Ông Daniel Pinkston, Phó Giám đốc Dự án Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết như sau.
Ông Pinkston nói: "Trước hết tôi muốn nói rằng đây không phải biên giới theo luật pháp quốc tế. Hai bên chống đối nhau đã tìm cách giải quyết các vấn đề trên biển trong cuộc đàm phán về hiệp định ngưng bắn, nhưng phía miền Bắc không thật tâm muốn thảo luận vấn đề này, vì khi đó họ không có một lực lượng hải quân và không quan tâm về việc này. Vì vậy hiệp định ngưng bắn đã được ký kết mà không có những điều khoản về các đường biên giới trên biển."
Ông Pinkston cho hay vì sự không rõ ràng này mà Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã tự ý vạch ra một lằn ranh để dùng như một đường biên giới trên thực tế từ đó cho đến nay.
Khu vực này của Hoàng Hải đã xảy ra nhiều trận hải chiến trong thập niên qua, gây tử vong cho mấy mươi binh sĩ của cả đôi bên.
Nhưng số tổn thất nhân mạng đã tăng cao một cách bất ngờ trong năm 2010, khi 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên thiệt mạng vì chiến hạm Cheonan của họ bị ngư lôi của Bắc Triều Tiên đánh chìm. Bình Nhưỡng bác bỏ tố cáo vừa kể. Đến tháng 11 năm ngoái, đảo Yeonpyeong của Nam Triều Tiên trong vùng này cũng bị Bắc Triều Tiên pháo kích, làm 4 người Nam Triều Tiên thiệt mạng.
Hồi tuần trước, cũng trong cùng khu vực này, Seoul cho biết họ đã đáp lại việc Bắc Triều Tiên bắn 3 phát đạn đại pháo bằng cách bắn 3 phát đạn cảnh cáo. Bình Nhưỡng nói rằng những tiếng nổ tại một địa điểm xây dựng ở miền bắc bị miền nam tưởng lầm là tiếng đạn đại bác.
Ông Pinkston cho biết một số người lo ngại là các lực lượng Nam Triều Tiên có thể có phản ứng quá độ đối với những sự việc mà họ cho là có tính chất khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
Ông Pinkston nói tiếp: "Có rất nhiều áp lực chính trị ở Nam Triều Tiên đòi phải trả đũa cho những hành động khiêu khích như những hành động đã xảy ra hồi năm ngoái. Có thể nói rằng Bộ quốc phòng đã chỉ thị cho các đơn vị là “bắn trước hỏi sau.”
Ông Pinkston nói thêm rằng có những người ở Nam Triều Tiên muốn trả thù cho những vụ tấn công của Bắc Triều Tiên hồi năm ngoái, và điều đó làm gia tăng mối rủi ro xảy ra thêm một trận chiến ở Hoàng Hải.
Cuộc tập trận Mỹ- Nam Triều Tiên gặp phải sự đe dọa của miền Bắc
- Jason Strother
Hải quân Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên hôm nay bắt đầu thực hiện cuộc tập trận chung ở Hoàng Hải. Vùng biển này là điểm nóng gây ra căng thẳng giữa Nam và Bắc Triều Tiên và là nơi đã xảy ra nhiều vụ đụng độ gây chết người trong thập niên qua. Các nhà phân tích cho rằng sóng gió ở đây phát sinh một phần từ ranh giới trên biển vốn có tranh chấp từ gần 60 năm nay. Từ Seoul, thông tín viên Jason Strother của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.