Các nhà thiên văn học Hoa Kỳ cho hay lần đầu tiên họ đã xác định được một hành tinh xoay quanh hai mặt trời.
Cơ quan không gian Hoa Kỳ, NASA, ngày hôm qua đã giới thiệu về một hành tinh mà họ gọi là Kepler-16b, đặt theo tên kính viễn vọng Kepler được dùng để quan sát vũ trụ. Hành tinh Kepler-16b là một hành tinh lạnh lẽo và không thể tồn tại sự sống - có phần chắc không phải là nơi để các sinh vật ở bên ngoài tinh cầu này có thể đến sinh sống.
Tuy nhiên, người đứng đầu dự án này, ông William Borucki nói rằng vụ phát hiện này chứng tỏ rằng các nhà khoa học không cần phải giới hạn việc tìm kiếm các hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống chỉ trong khuôn khổ những hệ ngôi sao giống như hành tinh của chúng ta.
Ông Borucki nói rằng cho tới giờ, các nhà thiên văn học mới chỉ xác nhận sự tồn tại của các hệ hành tinh chỉ xoay quanh một ngôi sao giống như hành tinh chúng ta. Nhưng ông nói rằng phần lớn các ngôi sao trong ngân hà của chúng ta không phải là những vật thể đơn độc mà phần lớn chúng thường có đôi trong hệ nhị nguyên.
Ông Borucki nói rằng các nhà khoa học đã từ lâu đưa ra giả thuyết rằng họ cũng sẽ tìm thấy những hành tinh xoay quanh quĩ đạo của các cặp sao đôi, nhưng hành tinh Kepler-16b là hành tinh đầu tiên giúp họ chứng minh điều này.
Kepler-16b cách trái đất khoảng 200 năm ánh sáng, và xoay quanh quĩ đạo của hai ngôi sao mà chính chúng cũng quay quanh quĩ đạo của nhau. Nhìn từ trái đất, hai ngôi sao dường như che khuất nhau – hay nói cách khách hệ sao này nhìn mờ hơn khi các ngôi sao che lấp nhau khỏi tầm nhìn của chúng ta.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng hệ ngôi sao đôi khi cũng mờ đi thậm chí cả khi các ngôi sao không thẳng hàng với nhau, điều này cho thấy có một thiên thể thứ ba xen lẫn vào đó. Vì khoảng thời gian xuất hiện thiên thể này không thường xuyên, các nhà khoa học đã có thể chỉ ra rằng các ngôi sao đã ở những vị trí khác nhau mỗi lần thiên thể thứ ba đi qua – điều này cho thấy nó không chỉ xoay quanh một, mà cả hai ngôi sao.