Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ hoài nghi về những thay đổi luật lệ của Syria


Người biểu tình cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình tại thành phố cảng Banias của Syria, ngày 19/4/2011
Người biểu tình cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình tại thành phố cảng Banias của Syria, ngày 19/4/2011

Hoa Kỳ hôm qua đã bày tỏ sự nghi ngờ rằng cuộc biểu quyết của nội các Syria để chấm dứt 48 năm cai trị đất nước bằng đạo luật khẩn trương sẽ thực sự cải thiện tình trạng nhân quyền tại nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận chuyện Hoa Kỳ chống đối việc Syria xin gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Thông tín viên VOA David Gollust tại Bộ Ngoại Giao ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các giới chức Bộ Ngoại giao nói rằng mọi lợi ích đạt được qua việc bãi bỏ tình trạng khẩn trương tại Syria dường như sẽ bị vô hiệu hóa bởi một dự luật kèm theo quy định các luật lệ về các cuộc biểu tình. Các giới chức này lập lại lời kêu gọi nhà chức trách tại Damascus chấm dứt các hành vi bạo động đối với người biểu tình.

Quyết định nội các Syria được đưa ra sau một bài diễn văn của Tổng thống Bashar al-Assad đọc hôm thứ Bảy, trong đó ông cam kết chấm dứt bộ luật khẩn trương gắt gao đã áp dụng từ năm 1963.

Hôm qua, nội các Syria đã phê chuẩn một dự thảo luật chấm dứt tình trạng khẩn trương trong nước và hủy bỏ một tòa án an ninh đặc biệt bị nhiều nhà tranh đấu nhân quyền chỉ trích. Nhưng chính phủ cũng thông qua một dự luật đòi hỏi các cuộc biểu tình ôn hòa phải được phép của bộ nội vụ.

Tại một cuộc họp báo, quyền phó phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói rằng dự luật của Syria đang chờ được Tổng thống Assad ký ban hành có thể sẽ không đem lại một thành quả thực sự nào về nhân quyền cho nước này.

Ông Toner nói: “Qua một số nhận định chúng ta đã thấy từ bộ trưởng bộ nội vụ, dự luật mới có thể cho thấy nó cũng khắt khe y như đạo luật khẩn trương mà nó thay thế. Quan trọng hơn nữa là bạo động diễn ra nhiều hơn trong đêm với việc binh sĩ nổ súng vào những người biểu tình ôn hòa. Rõ ràng bạo động tại đó vẫn tiếp tục tạo ra mối lo ngại nghiêm trọng. Và rõ ràng là chính phủ Syria vẫn cần phải khẩn trương thực thi những cải cách sâu rộng hơn.”

Theo ông Toner thì trong khi Tổng thống Assad tự cho mình là một nhân vật chủ trương cải cách thì “chúng ta thấy rất nhiều lời nói chứ không thấy mấy hành động” và đó không phải là điều để dân chúng Syria quyết định xem liệu ông Assad đã hành động đủ hay chưa.

Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết có ít nhất 200 người đã bị lực lượng an ninh sát hại kể từ khi bắt đầu diễn ra các cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ tại Syria cách đây một tháng.

Phát ngôn viên của bộ ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận Hoa Kỳ sẽ chống đối việc Syria ứng cử làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ.

Syria đơn thương ra ứng cử vào một trong 4 ghế dành cho các nước Á châu trong Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên. Vì vậy có phần chắc nước này sẽ giành được một ghế trừ phi một nước Á châu nào đó ra dự tranh trong cuộc biểu quyết ấn định vào cuối tháng năm tới đây.

Ông Toner cho biết chính quyền của Tổng thống Obama tin rằng trong tình trạng chính phủ ở Damascus có hành động chống lại chính nhân dân của họ, thì việc Syria gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ mang tính “bất xứng và giả tạo”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG