Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) quan ngại việc cảnh sát Thái Lan bắt giữ thầy truyền đạo người Hmong Lù A Da, người đã từ Việt Nam chạy sang Bangkok lánh nạn.
“USCIRF quan ngại đến trường hợp ông Lù A Da, một nhà hoạt động và nhà truyền giáo Hmong đã chạy trốn cuộc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Ông hiện đang bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan giam giữ và có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam do các hoạt động tích cực của mình”, Phó Chủ tịch USCIRF Frederick Davie viết trên trang X hôm 15/12.
Ông Lù A Da, trưởng nhóm Liên minh Nhân quyền Người Hmong (Hmong Human Rights Coalition), bị cảnh sát bắt hôm 7/12 khi đang xin tị nạn tôn giáo và chính trị tại Thái Lan từ năm 2020, bà Giàng Thi A, vợ ông cho VOA biết hôm 20/12.
Bà cho biết gia đình bà vừa có quy chế trị nạn chính trị do Văn phòng Cao ủy LHQ về Người Tị nạn (UNHCR) ở Thái Lan cấp hôm 14/12, nhưng bà vẫn lo ngại việc chồng bà có khả năng bị trục xuất về Việt Nam.
“Tôi rất lo lắng, sợ cảnh sát sẽ trục xuất anh Lù A Da về Việt Nam. Cái này nguy hiểm đến tính mạng của anh ấy”.
USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy thúc giục chính phủ Thái Lan bảo vệ người tị nạn Việt Nam.
“Chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải nêu vấn đề này với chính quyền Thái Lan, về hành vi trục xuất các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số dễ bị tổn thương, nơi họ phải đối mặt với sự đàn áp, giam giữ và tra tấn”, Phó Chủ tịch USCIRF viết.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Thái Lan, Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNHCR, đề nghị họ cho ý kiến về sự quan ngại của USCIRF, nhưng chưa được phản hồi.
Từ Thụy Sĩ, bà H'Biap Krong, một nhà hoạt động nhân quyền cho nhóm người dân tộc thiểu số Việt Nam, cho VOA biết ý kiến của bà trước sự quan ngại của USCIRF:
“Khi anh Lù A Da bị bắt, USCIRF đã nhanh chóng quan tâm đến vấn đề của anh. Ý kiến quan tâm của ông Frederick Davie rất đúng vì hiện tại anh Lù A Da đang giam ở nhà tù Sở Di trú (ICD) Thái Lan ở Suan Phlu, Bangkok. Và vấn đề anh Lù A Da có nguy cơ đối mặt với việc trục xuất là khá cao”.
Theo giới hoạt động và gia đình, ông Lù A Da là một trong những nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ niềm tin tôn giáo của người Hmong. Ông là thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), từng sinh sống ở tỉnh Lai Châu.
Hồi tháng 5/2022, trong báo cáo về quy mô đàn áp tôn giáo toàn cầu, USCIRF viết: “Phần lớn người Việt tị nạn ở Thái Lan là tín hữu tôn giáo độc lập người Hmong và người Thượng. Các tín đồ Tin lành này bị bách hại vì từ chối từ bỏ đức tin của họ và từ chối tham gia các nhóm tôn giáo do nhà nước kiểm soát”.
Thái Lan không phải là một quốc gia thành viên của Công ước LHQ về người tị nạn năm 1951 và đất nước này thiếu khung pháp lý để bảo vệ người tị nạn hay người tìm quy chế tị nạn. Do đó, những người đã được văn phòng UNHCR cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan vẫn có thể bị chính quyền xem là người nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ và trục xuất.
Diễn đàn