Đường dẫn truy cập

Uỷ ban Thương mại Nghị viện châu Âu ủng hộ FTA với Việt Nam


Hiệp định EVFTA tiến gần hơn tới việc được thông qua chính thức
Hiệp định EVFTA tiến gần hơn tới việc được thông qua chính thức

Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (INTA) bật đèn xanh cho hai hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam, thông cáo báo chí hôm 21/1 của Nghị viện châu Âu cho hay.

Bản thông cáo nói INTA bỏ phiếu ủng hộ cho hiệp định thương mại tự do với tỷ lệ 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, đồng thời đưa ra khuyến nghị rằng phiên tòa thể của Nghị viện châu Âu cũng nên bỏ phiếu thông qua.

Hiệp định này, gọi tắt là EVFTA, sẽ dỡ bỏ gần như toàn bộ thuế quan giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam trong vòng 10 năm.

Hiệp định sẽ bảo vệ hàng hóa mang nhãn mác châu Âu và cho phép châu lục này được tham gia thị trường mua sắm công của Việt Nam, hay nói cụ thể hơn, các công ty của EU sẽ được tham gia đấu thầu để bán hàng hóa, dịch vụ cho các bộ ngành hay các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

Việc thông qua hiệp định sẽ củng cố thêm cho tiến bộ về lao động và các chuẩn mực môi trường cũng như về tôn trọng nhân quyền.
Geert Bourgeois, báo cáo viên EU


EVFTA cũng có những điều khoản về bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, trong đó có quyền của người lao động và nhân quyền.

Ông Geert Bourgeois, báo cáo viên EU về EVFTA, được thông cáo của Nghị viện châu Âu dẫn lời nói rằng: “Với việc đồng ý về hiệp định thương mại với Việt Nam, Ủy ban Thương mại gửi ra tín hiệu tích cực tới khu vực ASEAN và phần còn lại của thế giới giữa lúc có những căng thẳng thương mại gia tăng”.

Trong số các thành viên ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ đứng sau Singapore, với kinh ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mỗi năm là gần 53 tỷ đô la và dịch vụ là 4 tỷ đô la.

Mặc dù xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 5-7% mỗi năm nhưng khối này bị thâm hụt thương mại với Việt Nam xấp xỉ 30 tỷ đô la vào năm 2018.

Lưu ý đến tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế của Việt Nam, ông Geert Bourgeois bày tỏ tin tưởng rằng hiệp định thương mại này sẽ “tăng tốc tiến trình cải cách” ở Việt Nam.

“Việc thông qua hiệp định sẽ củng cố thêm cho tiến bộ về lao động và các chuẩn mực môi trường cũng như về tôn trọng nhân quyền”, vẫn theo lời ông, được trích dẫn trong thông cáo của Nghị viện châu Âu.

Một số người muốn gắn các điều kiện nhân quyền với việc thông qua EVFTA
Một số người muốn gắn các điều kiện nhân quyền với việc thông qua EVFTA

Với 26 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 6 phiếu trắng, INTA trong cùng ngày 21/1 cũng đồng ý về hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam. Hiệp định này sẽ dẫn đến việc lập ra hệ thống tòa án về đầu tư với các thẩm phán độc lập để giải quyết các tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà nước.

Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về 2 hiệp định nêu trên vào phiên họp tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Nếu được thông qua tại phiên họp này, EVFTA sẽ có hiệu lực ngay. Trong khi đó, hiệp định về bảo hộ đầu tư cần được các nước thành viên EU thông qua trước mới có hiệu lực.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 65% hàng EU xuất sang Việt Nam và 71% hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được miễn thuế. Các hàng hóa khác của EU sẽ được “tự do hóa” - tức là giảm dần thuế về 0% - trong vòng 10 năm, trong khi khoảng thời gian tự do hóa cho phần còn lại của hàng Việt Nam là 7 năm.

Riêng về quyền lao động và nhân quyền, thông cáo của Nghị viện châu Âu nói Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn hai dự luật còn lại về bãi bỏ lao động cưỡng bức và tự do lập hội lần lượt vào năm 2020 và 2023; bên cạnh đó, “nếu có vi phạm nhân quyền, hiệp định thương mại có thể bị đình chỉ”, theo thông cáo.

Trong khoảng 2 tuần trước phiên họp mang tính quyết định của INTA về EVFTA, các quan chức cao cấp Việt Nam đã nỗ lực “trấn an” các nghị viên châu Âu trước những làn sóng chống lại việc thông qua hiệp định này vì những lo ngại về nhân quyền, quyền của người lao động tại Việt Nam.

“Tôi khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thứ gửi cho Chủ tịch INTA Bernd Lange hôm 6/1.

Một tuần sau, ngày 13/1, Đại sứ Việt Nam tại Brussels, ông Vũ Anh Quang, lại có thư gửi ông Bernd Lange, tiếp tục khẳng định về chính sách “bảo vệ và cổ xúy cho tất cả các quyền tự do căn bản và nhân quyền” tại Việt Nam, đồng thời giải trình trường hợp bắt giữ nhà báo độc lập-blogger Phạm Chí Dũng.

Theo giải trình này, nhà báo Phạm Chí Dũng bị “tạm giữ” vì đã “thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà không đăng ký theo luật pháp Việt Nam, sử dụng mạng xã hội để viết, xuyên tạc và truyền bá tin giả về các chính sách và luật pháp Việt Nam nhằm kích động và gây rối an ninh công cộng, gây hoang mang và lo lắng trong nhân dân và sự ổn định xã hội”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG