Đường dẫn truy cập

Vaccine và dàn nhạc không có nhạc trưởng!


Người dân bỏ về tại một điểm tiêm ở Quận 1 Tp.HCM, 13/8/2021. (Hình: Trích xuất từ video trên trang Facebook Vinh Râu)
Người dân bỏ về tại một điểm tiêm ở Quận 1 Tp.HCM, 13/8/2021. (Hình: Trích xuất từ video trên trang Facebook Vinh Râu)

Phần 1: Sinopharm và dịch là… chuyện nhỏ

Người sử dụng mạng xã hội đang chuyển cho nhau xem video clip ghi lại phản ứng của dân chúng phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM sau khi nghe nhân viên hữu trách tuyên bố: Hôm nay, chúng tôi chích Vero Cell của hãng Sinopharm! Sau tuyên bố vừa kể, có ai đó trong đám đông đang ngồi chờ được chích vaccine ngừa COVID-19 hỏi: Vaccine của nước nào? Một vài người đáp: Của Trung Quốc!... Có người nhắc: Trung Quốc thì nói Trung Quốc!..

Sau đó, thiên hạ bắt đầu đứng dậy bỏ về… Đám đông càng lúc càng ồn ào với những thắc mắc, kiểu như: Tại sao không thông báo là chích vaccine Trung Quốc?.. Có người chất vấn nhân viên hữu trách: Đâu phải chỉ mình ông. Ở đây còn biết bao nhiêu mạng, sao không thông báo cho dân biết?.. Khi nhân viên hữu trách đáp lại: Giờ có thuốc để chích là may rồi, đừng đòi hỏi… lập tức có người phản bác: May thì mày chích, mày chích mà chết mày chịu không (1)?..

***

Sự hỗn loạn vừa xảy ra vào sáng 13/8/2021 ở điểm chích vaccine ngừa COVID-19 tại phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM, minh họa cho thực trạng càng ngày càng hỗn loạn trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam: Muốn đưa sinh hoạt xã hội trở lại trạng thái bình thường thì phải sớm nâng tỉ lệ fully vaccinated (chích đủ lượng vaccine cần thiết và chờ đủ thời gian cần thiết để vaccine giúp cơ thể có thể kháng cự COVID-19) trong dân chúng lên cao và lên nhanh…

Tuy nhiên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đã cũng đang như một dàn nhạc mà các nhạc công sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, thi nhau chơi theo sở thích, khả năng của họ và không có ai muốn làm… nhạc trưởng! Cứ nhìn vào cách hành xử đối với Vero Cell của Trung Quốc nói riêng và vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc nói chung có thể thấy mức độ hỗn loạn thế nào và tại sao không có… nhạc trưởng.

***

Ngày 3/6/2021, khi TP.HCM đã tê liệt vì dịch COVID-19, Bộ Y tế Việt Nam loan báo đã đồng ý cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm như loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba có thể dùng tại Việt Nam do tình huống khẩn cấp (hai loại kia là AstraZeneca và Sputnik V) (2). Kể từ đó, vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm bắt đầu được chích cho người Trung Quốc đang hiện diện tại Việt Nam, người Việt cư ngụ tại khu vực giáp biên giới Việt – Trung.

Việc tiếp nhận – cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc đã từng tạo ra một trận bão dư luận về hai khía cạnh: Chất lượng vaccine, trách nhiệm phê duyệt!.. Bão dư luận tạm lắng cho đến ngày 31 tháng 7 thì bùng lên trở lại sau khi TP.HCM được tặng một triệu liều vaccine của Sinopharm và sẽ còn được tặng thêm bốn triệu liều nữa. Năm triệu liều vaccine này cũng là quà nhưng nơi tặng là Vạn Thịnh Phát – một tập đoàn tư nhân tại Việt Nam mua tặng chứ không phải chính quyền Trung Quốc!

Trước sự phản ứng dữ dội của công chúng, ngày 3/8/2021, đại diện chính quyền TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục dùng các loại vaccine như AstraZeneca, Moderna,… để ngừa COVID-19, chưa sử dụng vaccine của Sinopharm vì đang chờ Bộ Y tế thẩm định về tính an toàn. Đồng thời nhấn mạnh rằng, chỉ chích vaccine của Sinopharm cho những người muốn được chích loại vaccine này (3). Quyết định vừa kể giúp bão dư luận lắng xuống thêm một lần nữa.

Quyết định chưa dùng vaccine của Sinopharm tuy giúp chính quyền TP.HCM được dân chúng hoan hô, nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì có thêm cơ hội được chích các loại vaccine ngừa COVID-19 không phải do… Trung Quốc sản xuất nhưng điều đó vẫn cho thấy một vấn đề đáng ngại trong… dàn nhạc: Tại sao đầu tháng 6, Bộ Y tế đã thẩm định, cho phép sử dụng vaccine của Sinopharm mà đến đầu tháng 8, TP.HCM phải chờ Bộ Y tế thẩm định, cho phép sử dụng lại?

Giới hữu trách không có bất kỳ lời giải thích nào và vì thế người ta tin rằng, nguyên nhân dường như chỉ nằm ở chỗ, dân chúng TP.HCM có thể nổi loạn nếu vaccine của Sinopharm dẫn tới những biến chứng nguy hại đến sức khỏe, tính mạng sau khi chích. Đáng lưu ý là những sự kiện diễn ra sau đó chẳng khác gì hỗ trợ cho suy đoán ấy: Ngày 6/8/2021, Bộ Y tế loan báo đã nhận được yêu cầu phê duyệt đề nghị giải trừ trách nhiệm cho Sinopharm và Sapharco – nơi được ủy nhiệm nhập vaccine của Sinopharm.

Bộ này yêu cầu chính quyền TP.HCM trả lời những vấn đề liên quan đến giao dịch giữa Sapharco và đại diện cho nhà sản xuất Sinopharm, năm triệu liều mà Sapharco nhập cảng theo đơn đặt hàng của Vạn Thịnh Phát chỉ sử dụng ở TP.HCM hay những nơi khác, nguồn tiền dùng để mua và nếu là tài trợ thì có điều kiện nào đính kèm, nơi nào chịu trách nhiệm trả các loại chi phí liên quan đến thương vụ, kể cả chi phí phát sinh liên quan đến miễn trừ trách nhiệm cho Sinopharm (4)...

Ba ngày sau, hôm 9/8/2021, chính quyền TP.HCM có văn bản trả lời Bộ Y tế. Giống như văn bản của Bộ Y tế gửi chính quyền TP.HCM, văn bản chính quyền TP.HCM trả lời Bộ Y tế cũng được chuyển cho báo giới để họ giới thiệu, giúp công chúng… thưởng lãm. Không cần tinh ý thì đọc lược thuật về nội dung văn bản trả lời trên hệ thống truyền thông chính thức vẫn có thể thấy, Bộ Y tế cố tình… kiếm chuyện và chính quyền TP.HCM không ngại… trả đũa...

Đại loại, giữa tháng 6, Văn phòng Chính phủ đã cho phép chính quyền TP.HCM tìm mua và sử dụng vaccine ngừa COVID-19. Sapharco là một doanh nghiệp nhà nước chuyên nhập cảng dược phẩm đã từng được chính Bộ Y tế cho phép nhập cảng vaccine. Chi phí liên quan đến mua, vận chuyển, xuất - nhập,… năm triệu liều vaccine của Sinopharm thì theo cam kết của nhà tài trợ và theo hợp đồng mua bán. Nói chung Bộ Y tế không cần phải lo, nếu vẫn còn lo thì Bộ Y tế cứ mở hồ sơ ra mà đọc.

Có một điểm đáng chú ý là trong văn bản vừa đề cập, UBND TPHCM đề nghị Bộ Y tế xem xét ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất vaccine theo đề nghị của Sapharco và văn phòng đại diện cho nhà sản xuất Sinopharm tại Hà Nội GIỐNG NHƯ ĐỐI VỚI TẤT CẢ CÁC LÔ VACCINE PHÒNG CHỐNG COVID-19 KHÁC MÀ VIỆT NAM ĐÃ NHẬP TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY (5). Đề nghị này chính là minh họa đắt giá cho thấy, với các viên chức hữu trách tại Việt Nam, hậu quả, thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra đối với dân sinh, kinh tế, xã hội dẫu có nghiêm trọng thế nào cũng là… chuyện nhỏ. Với họ, chuyện lớn là chuyện phải đốn nhau!

(còn tiếp)

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=344852980461295&id=100048097861219

(2) https://ncov.moh.gov.vn/en/-/6847912-270

(3) https://tienphong.vn/tphcm-vac-xin-sinopharm-chua-duoc-dua-vao-chien-dich-tiem-chung-post1362102.tpo

(4) https://plo.vn/suc-khoe/bo-y-te-de-nghi-lam-ro-mot-so-van-de-lien-quan-den-vaccine-vero-cell-1006751.html

(5) https://laodong.vn/y-te/tphcm-phan-hoi-bo-y-te-ve-viec-mua-vaccine-vero-cell-940090.ldo

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG