Một hội nghị cấp cao của LHQ vào thứ sáu ở Bangkok dự kiến sẽ bàn về vấn đề sự hòa nhập kinh tế Đông Nam Á sẽ dẫn đến nhiều các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia và những mối đe dọa an ninh công cộng. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ thủ đô của Thái Lan về những gì mà các quan chức cho là cần thiết để giải quyết vấn đề này.
Nhiều người hy vọng sự hòa nhập kinh tế được lên kế hoạch của Đông Nam Á trong những năm sắp tới sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm thiểu các rào cản thương mại và du hành.
Nhưng những biện pháp đó cũng được cho rằng sẽ làm cho các nhóm tội phạm xuyên quốc gia lộng hành nhiều hơn. Cơ quan của LHQ về Ma Túy và Tội Phạm (UNODC) nói các giới chức của châu Á cần phối hợp làm việc với nhau tốt hơn để khắc phục vấn đề.
Một báo cáo gần đây của UNODC (chưa được công bố) khuyến cáo rằng những kẽ hở giữa “các cơ quan an ninh và các nhà hoạch định về kinh tế và giao thông dẫn tới sự thiếu hiệu suất và thiếu hiệu quả” vào lúc Đông Nam Á đang tiến tới mục tiêu hòa nhập kinh tế khu vực.
Vào thứ sáu, các quan chức cấp cao của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cùng với các đại diện của một số cơ quan phát triển LHQ, sẽ gặp mặt để thảo luận vấn đề này.
Đại diện khu vực của UNODC, ông Jeremy Douglas, nói với đài VOA rằng hội nghị này sẽ qui tụ những người tham gia phát triển thương mại và những quan chức được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới và thực thi luật pháp.
"Chúng tôi cần mang những người suy nghĩ trong 2 lãnh vực này ngồi lại chung với nhau. Chúng tôi cần họ coi trọng nhau và chúng tôi cần đi đến một vài giải pháp thực tế có thể giúp chống lại tội phạm xuyên quốc gia."
UNODC cho biết tội phạm có tổ chức ở Đông Nam Á tạo ra khoảng 100 tỷ đô la mỗi năm.
Ông Douglas nói việc sản xuất và buôn bán ma túy trái phép ở các nước như Afghanistan, Lào, Miến Điện và Pakistan tiếp tục phát triển và làm khu vực này trở nên bất ổn.
"Chúng tôi cũng nhận thấy tác động làm mất ổn định của các lĩnh vực khác như nạn buôn người hoặc các hình thức chuyển lậu, trong đó các khoản tiền bất hợp pháp được tẩy rửa trong nền kinh tế hợp pháp. Khi chúng được đưa vào nền kinh tế hợp pháp để tẩy rửa, chúng làm méo mó nề kinh tế hợp pháp. Do đó về cơ bản, chúng gây tổn thương cho những người và những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật."
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã ấn định tháng 12 năm 2015 để trở thành một cộng đồng kinh tế chung. Nhưng Ngân Hàng Phát Triển Châu Á và các tổ chức khác đã khuyến cáo rằng cộng đồng này sẽ không đạt được những mục tiêu của họ theo đúng thời hạn bởi vì còn nhiều vấn đề và chính sách chưa được giải quyết.