Các nhà thương thuyết của Iran và quốc tế họp tại Vienna trong tuần này để vận động một lần chót nhằm tìm cách đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran trước kỳ hạn ngày 24 tháng 11. Các vấn đề chủ yếu là những vấn đề đã có từ hơn một năm nay, và hậu quả của việc không đạt được một thoả thuận có khả năng cũng tệ hại hơn bao giờ hết.
Các quang cảnh như những vòng đàm phán trước đây sẽ lại diễn ra trước các ống kính truyền hình. Sau đó, các thương thuyết gia sẽ đóng cửa để tranh luận về việc Iran sẽ giữ lại bao nhiêu máy ly tâm có khả năng tinh chế uranium có thể được sử dụng để chế tạo một vũ khí hạt nhân, hình thức thanh tra nào sẽ được phép tiến hành và các biện pháp chế tài kinh tế sẽ được bãi bỏ nhanh chóng như thế nào.
Bà Jane Kinninmont là phó giám đốc Chương trình Trung Đông của tổ chức Chatham House. Bà nói:
“Tôi nghĩ cả hai phía đều rất nghiêm túc muốn đưa ra một thỏa thuận nào đó.”
Bà cho rằng mặc dù có sự can dự của bảy quốc gia, nhưng cuối cùng quan trọng nhất vẫn là Hoa Kỳ và Iran.
“Tôi nghĩ cả hai vị tổng thống đều muốn đạt được một thỏa thuận, và cảm tưởng chung là nêu bỏ lỡ cơ hội này, thì có phần chắc sẽ không có được một cơ hội tương tự trong đời họ.”
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga cũng sẽ có mặt tại bàn thương thuyết. Họ đã đề ra một mặt trận vững chắc với Hoa Kỳ và các nhà thương thuyết Âu châu, nhưng riêng Nga có một quan điểm hơi khác về Iran so với các nước khác. Và chính sách của Nga là một mối quan ngại cho phương Tây, nhất là trong bối cảnh một chính sách mới, quyết liệt hơn ở châu Âu.
“Nga muốn có một liên minh với Iran, nhưng Nga không quan tâm đặc biệt đến việc nhìn thấy Iran trở thành một cường quốc vũ khí hạt nhân hay trở thành một nước đóng vai trò độc lập hơn.”
Bà Kinninmont nói thỏa thuận Nga vừa ký với Iran để tái chế biến nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có thể góp phần mở đường cho một thỏa thuận. Song ông Anoush Ehteshami, giám đốc chương trình quốc tế tại trường Đại học Durham nói nó cũng nêu ra những quan ngại.
“Nga có đơn phương đề xuất các thỏa thuận có thể cung cấp cho Iran những điều khoản “rút ra” bên ngoài các cuộc thương nghị sắp diễn ra với khối P5+1. Và vì thế, tôi chưa có câu trả lời bởi vì việc này vẫn còn quá mới mẻ.”
Điều quan trọng hơn đối với vòng đàm phán sắp tới là liệu các bên có thể thu hẹp các cách biệt còn lại và sau đó thuyết phục những người còn hoài nghi bên trong ngay cả chính phủ của mình để chấp nhận các dung hoà của họ hay không. Giáo sư Ehteshami nói bất chấp lập luận đôi khi gay gắt từ phía Tehran, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ có khả năng làm việc ấy.
“Toán thương thuyết có sứ mạng được dân chúng giao phó. Họ đã trao cho Tổng thống Rouhani sứ mạng giám sát giai đoạn khó khăn này. Và sứ mạng của ông, cương lĩnh của ông là chấm dứt sự cô lập của Iran, và mở đất nước ra với thế giới. Cách duy nhất Iran có thể làm điều đó là kết thúc vụ khủng hoảng hạt nhân này.”
Các hậu quả của việc không đạt được điều ấy sẽ nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Iran, dưới tác động của các biện pháp chế tài và giá dầu hạ, và có khả năng dẫn tới những vụ tấn công quân sự nhắm vào các cơ sở hạt nhân của họ. Tất cả những điều ấy sẽ cộng thêm vào với sự cấp thiết đạt được một thỏa thuận, chứ không tạo được điều kiện dễ dàng chút nào.