Hình ảnh chụp bằng vệ tinh của Hoa Kỳ thuộc cơ quan Không gian NASA dự kiến sẽ sớm bắt đầu giúp khoảng 60 triệu người sống trong vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong ở Đông Nam Á ứng phó với các thiên tai và những khó khăn về biến đổi khí hậu. Dự án này thêm vào các chương trình hiện hữu của NASA vốn đã giúp các cộng đồng ở Nam Mỹ, Châu Phi và Nam Á. Thông tín viên VOA Ron Corben tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Dự án 5 năm do Hoa Kỳ đứng đầu quy tụ các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mekong là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, vào lúc khu vực này đứng trước những thách thức ngày càng nhiều do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là các mô hình khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Các nhà bảo vệ môi trường nói những thách thức này bao gồm các vấn đề về việc sử dụng nước, phá rừng, lụt lội và giảm thiểu thiên tai.
Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên Hiệp Quốc, còn gọi tắt là UNISDR, nói chi phí đang gia tăng do các thiên tai và kể từ năm 2000 đến năm 2012 tổn phí về thiệt hại trên thế giới do các tai hoạ có liên quan đến khí hậu gây ra lên tới 1,7 tỷ đôla, gây thiệt hại cho 1,2 triệu sinh mạng và tác động đến 2,9 tỷ người.
Trong một cố gắng cải tiến thông tin cho các cộng đồng bị nguy cơ, Cơ quan Không gian và Hàng không Hoa Kỷ NASA, với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Hoa Kỳ USAID sẽ cùng làm việc với các đối tác ở địa phương, trong đó có Trung tâm Chuẩn bị Thiên tai Á châu có trụ sở ở Thái Lan, còn gọi tắt là ADPC, để cung cấp hình ảnh bằng vệ tinh cho các chính phủ trong khu vực.
Giới chức phụ trách dự án ADPC, bà Gabrielle Iglesias, nói dự án nhắm mục đích cung cấp thông tin về các điều kiện thay đổi cho các cộng đồng và giúp họ sử dụng thông tin đó một cách hữu hiệu.
“Dự án này sẽ giải quyết cả hai bước ấy – phát triển các công cụ để xử lý thông tin, các dữ liệu thu thập bằng vệ tinh và sau đó nâng cao khả năng cho các nhà thực hiện quyết định để hiểu rõ và diễn dịch kết quả phân tích hầu sử dụng trong việc thực hiện quyết định đối với việc sử dụng đất đai, bảo vệ và thích nghi môi trường.”
Các giới chức cấp cao của USAID nói dữ liệu sẽ được chuyển cho các nhà khoa học, các đại diện chính phủ, các nhà quản lý tài nguyên thiên nhiên và các chuyên gia đáp ứng thiên tai. Trong một phát biểu với đài VOA, các giới chức nói mục đích là nhắm mục tiêu hữu hiệu hơn vào những khu vực khẩn thiết nhất sau các thiên tai.
Chi phí cho việc thu thập hình ảnh bằng vệ tinh như thế đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khiến thông tin dễ tiếp cận hơn. Các dữ liệu như vậy rất có giá trị nhất là ngay sau khi xảy ra các thiên tai. Năm 2008, cơn bão Nargis đập vào vùng châu thổ sống Irrawaddy ở Myanmar, tức Miến Điện, đã làm thiệt mạng hơn 130.000 người.
Bà Iglesias của cơ quan ADPC nói thảm kịch cơn bão Nargis nêu bật sự cần thiết phải có thêm thông tin vào những thời điểm cấp bách.
“Một khía cạnh quan trọng khác là cải thiện chính sự sẵn sàng đối phó với thiên tai. Trong trường hợp cơn bão Nargis chẳng hạn ở Myanmar, một phần của vấn đề là phải làm gì khi có được thông tin là cơn bão đang hướng về một khu vực cụ thể của Myanmar. Do đó vấn đề lúc đó là sơ tán người đi đâu và tình trạng thiếu các con đường để sơ tán đến những chỗ tạm trú…”
Hình ảnh chụp bằng vệ tinh, các dữ liệu địa không và bản đồ sẽ hỗ trợ trong các khu vực từ quản lý nước, hoạch định việc sử dụng đất đai, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Dữ liệu thu thập bằng vệ tinh loại như thế vốn đã được áp dụng ở Bangladesh, Tanzania, El Salvador, Guatemala, và Kenya để đáp ứng các vấn đề từ mô hình nước mưa, các bệnh lây truyền qua đường bay như sốt rét, sự lây lan của các loài tảo, và bảo vệ rừng và dã sinh.
Các giới chức của USAID nói vùng Hạ lưu sông Mekong cũng đang đối mặt với những thách thức phát triển ngày càng phức tạp, và nói thêm rằng điều quan trọng là dựa vào tiềm năng đầy đủ của khoa học và kỹ thuật để thực hiện các quyết định.