Công ty dầu mỏ PDVSA của Venezuela đang tìm cách tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ giữa lúc các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ gây đình trệ cho việc giao hàng cho Hoa Kỳ và các nước Châu Âu.
Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây đã công nhận ông Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập, là Tổng thống Lâm thời của Venezuela, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục nắm quyền kiểm soát các cơ chế nhà nước, kể cả quân đội.
Reuters dẫn dữ liệu của công ty Refinitiv Eikon cho biết kim ngạch xuất khẩu dầu của Venezuela đã giảm từ mức 1,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) xuống còn 1,15 triệu bpd đối với các sản phẩm thô và tinh chế, kể từ khi lệnh trừng phạt của Washington đối với Caracas có hiệu lực vào ngày 28/ 1.
Đáp lại, Venezuela đang chuyển hướng tập trung vào những khách hàng nhập dầu và thanh toán bằng tiền mặt, đặc biệt là Ấn Độ, khách hàng lớn thứ hai của Venezuela sau Hoa Kỳ.
Trước khi bị trừng phạt, công ty PDVSA từng xuất hơn 500.000 bpd sang Hoa Kỳ, thị trường nhập dầu thanh toán tiền mặt lớn nhất của nước này, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 300.000 bpd, và kế đến là Trung Quốc.
Gần đây, Venezuela đã cử ông Manuel Quevedo, Bộ trưởng dầu mỏ, tới Ấn Độ để thuyết phục các công ty lọc dầu, bao gồm công ty Reliance Industries Ltd và Nayara Energy Ltd, tăng gấp đôi số lượng dầu họ vẫn mua của Venezuela.
Hôm 11/2, trong chuyến công du đến New Delhi, ông Quevedo nói: “Chúng tôi đang bán hơn 300.000 bpd cho các khách hàng Ấn Độ. Chúng tôi muốn tăng gấp đôi con số này.”
Ông Quevedo cho biết Venezuela sẵn sàng mở rộng phương thức thanh toán cho Ấn Độ, như mua trả hàng và dùng dầu để thanh toán, tuy nhiên ông không đi sâu vào chi tiết.
Các nhà phân tích nói tìm kiếm khách hàng ở châu Á chịu nhập khẩu dầu từ Venezuela có thể khó khăn bởi vì Washington có thể gây áp lực thông qua ảnh hưởng chính trị và tài chính của mình và buộc các nước đó không nên giao dịch với công ty PDVSA.
Hiện vẫn chưa rõ liệu bán dầu lấy tiền mặt sẽ được thực hiện như thế nào để khỏi phải sử dụng các hệ thống ngân hàng Mỹ hoặc châu Âu sau ngày 28/4, là thời hạn chót do Bộ Tài chính Hoa Kỳ quy định.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm mục đích cắt giảm nguồn hỗ trợ tài chính cho Tổng thống Maduro, cắt giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ vốn từ trước đến nay đã giúp chính quyền của Maduro tồn tại.