Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang có kế hoạch ngăn chặn tình trạng người dân tìm cách mua nhà ở nước ngoài nhằm mục đích định cư bằng cách bổ sung quy định mới trong dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, phương án này bị cho là “không khả thi” và “giật gấu vá vai”, theo ý kiến một số người nhận xét với VOA.
Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài vừa được Bộ KH-ĐT đưa ra hôm 22/9 và đang được tiến hành lấy ý kiến tại Việt Nam. Bên cạnh việc bổ sung các quy định về thủ tục, vốn, hình thức đầu tư… đối với các tổ chức, doanh nghiệp, dự thảo mới có thêm quy định đáng chú ý về việc “hạn chế rủi ro lách luật” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân ở nước ngoài.
“Việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh”, Bộ KH-ĐT nói trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ nên áp dụng với quan chức?
Tình trạng người dân Việt Nam đổ xô đi “mua quốc tịch” bằng cách mua nhà ở hay đầu tư kinh doanh giả ở nước ngoài đang ngày càng trở nên phổ biến, trong đó có nhiều quan chức bị phanh phui trong các vụ bê bối gần đây.
Mới tháng trước, một đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Phạm Phú Quốc, bị phanh phui trên báo chí về việc có hai quốc tịch – Việt Nam và Síp – khiến ông này phải gửi đơn xin thôi làm đại biểu QH và thôi chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Trước đó, một số quan chức khác cũng gặp rắc rối tương tự do các cáo buộc “mua quốc tịch” như đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường, doanh nhân - đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân…
Từ Việt Nam, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nói với VOA rằng ông ủng hộ việc ra quy định nhằm hạn chế cá nhân mua bất động sản ở nước ngoài, nhưng chỉ nên áp dụng đối với các quan chức nhà nước chứ không phải trên đại chúng.
“Nếu chỉ có các doanh nghiệp được nhà nước cho phép mới được mua các cơ sở để sản xuất kinh doanh (ở nước ngoài) thì nó vẫn còn hạn chế quyền của người dân. Tôi cho rằng chỉ nên áp dụng chuyện kiểm soát gắt gao đó đối với quan chức nhà nước thôi. Còn đối với người dân, theo Luật Dân sự thì tài sản của người ta là hoàn toàn chuyện riêng tư của người ta. Nhà nước không thể nhúng vào được”, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ý kiến.
Trong khi đó, nữ doanh nhân Việt Nam Lê Hoài Anh, nói với VOA rằng quy định hạn chế trong dự thảo là một kế hoạch “không hiệu quả” và “không khả thi” khi người dân có quyền sử dụng tài sản hợp pháp để phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, trong đó có giáo dục, y tế và nơi ở.
Bà nói: “Không có nước nào trên thế giới, chỉ có độc tài toàn trị thì mới có thể làm điều đó. Chứ còn người dân nếu có thu nhập hợp pháp, thu nhập sau thuế thì người ta có quyền đi mua nhà, mua quốc tịch chứ. Làm sao cấm được?”
Cũng như nhà báo Võ Văn Tạo, bà Lê Hoài Anh cho rằng việc thay đối luật trên chỉ nên áp dụng đối với “những người làm cho nhà nước mà thôi”.
Cần giải quyết gốc rễ
Hạn chế tình trạng “chảy máu nhân tài”, “chảy máu ngoại tệ” là một vấn đề rất lớn đã được đặt ra trong nhiều năm nay tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng để đi đến gốc rễ vấn đề, nhà nước cần phải xem xét giải quyết tận căn rất nhiều nguyên nhân.
“Nguyên nhân người ta đi thì có rất nhiều: Luật pháp không nghiêm túc, an sinh xã hội không đảm bảo, giáo dục y tế kém cỏi, cuộc sống, bầu không khí ô nhiễm, rồi quyền tự do dân chủ, không được phát biểu điều mình suy nghĩ và cho là đúng, nếu phát biểu ra thì có thể bị đi tù… Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không hài lòng về cuộc sống ở trong nước nên họ tìm cách ra nước ngoài”, ông Tạo phân tích.
Tương tự, doanh nhân Lê Hoài Anh nêu ra ba vấn đề căn bản mà Việt Nam cần làm để giữ chân người dân ở lại trong nước.
“Theo tôi, quan trọng nhất là cải thiện hệ thống giáo dục, bởi vì đa số người Việt Nam, bạn bè tôi và cả bản thân tôi ra đi cũng vì không muốn con cái học ở hệ thống giáo dục này khi mà bằng cấp không được một đất nước nào công nhận cả”.
“Thứ hai, phải cải cách thể chế, phải tạo điều kiện kinh doanh làm sao cho công bằng, hợp lý, đồng thời phải chấn chỉnh ngay quy định ‘sở hữu đất đai là của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý’”.
Vấn đề thứ ba, theo bà Lê Hoài Anh, là phải cải thiện hệ thống y tế tại Việt Nam.
Ra đi vì “vạn bất đắc dĩ”
Cả doanh nhân Lê Hoà Anh lẫn nhà báo Võ Văn Tạo đều cho rằng việc bỏ nước ra đi là chuyện bất đắc dĩ đối với nhiều người dân, giữa bối cảnh cuộc sống tại Việt Nam hiện đã không còn quá khó khăn như trong thời kỳ bao cấp.
“Họ ra đi cũng mang nhiều tâm tư. Nhưng tôi thấy hầu hết là vì tương lai con cháu họ. Họ cảm thấy trước mắt là một tương lai tối tăm ở Việt Nam, không biết bao giờ mới sáng sủa lên được. Đó là điều rất đau xót”, nhà báo Võ Văn Tạo nói.
Bản thân bà Lê Hoài Anh cho biết ngoài nguyên nhân giáo dục cho con cái, sức khoẻ là lý do tiếp theo khiến bà quyết định định cư ở nước ngoài, dù phần lớn thời gian bà vẫn sống tại Việt Nam để làm công việc kinh doanh.
“Tôi là người không thích sống ở nước khác vì ở đây tôi còn có mẹ và gia đình”, bà Lê Hoài Anh chia sẻ với VOA. “Nhưng tôi phải đi thứ nhất vì con tôi, thứ hai vì sức khoẻ của tôi. Đây là điều quan trọng vì với bệnh viện của mình, bố tôi đã chết, mặc dù có tiền, nhưng đã chết vì sự vô trách nhiệm của bệnh viện và bác sĩ”.
Dự thảo Luật mới của Việt Nam cũng bổ sung quy định về các trường hợp hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài, trong đó bao gồm các cán bộ, công chức, viên chức; các sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; các cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; người bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Một thống kê ở Mỹ năm 2017 cho biết Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 các nước có công dân mua bất động sản nhiều nhất tại Hoa Kỳ trong năm thứ 5 liên tiếp, kể từ năm 2013.
Theo báo cáo này, trong thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi 3.06 tỷ USD (gần 70.000 tỷ đồng) để mua nhà tại Mỹ, đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà nhất tại Mỹ.