Đường dẫn truy cập

Vì sao nhóm lợi ích giao thông cắm mặt tăng phí BOT?


Tư liệu: Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN)
Tư liệu: Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN)

Hòa nhịp với chiến dịch tăng phi mã giá điện và xăng dầu, nhóm lợi ích giao thông vừa đề xuất tăng phí 37 dự án BOT với lý do ‘doanh thu bị sụt giảm’, đe dọa trút lên đầu hàng triệu phương tiện vận tải một thứ luật rừng ‘thu giá’ và kích động lạm phát vọt cao trên đầu 90 triệu dân Việt, bất chấp rất nhiều phản đối của người dân cả nước về nhiều trạm thu phí BOT vì các trạm này thường cố ý đặt sai vị trí và thu phí quá cao.

Bộ Giao thông vận tải làm thuê cho ai?

Lại là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lộ hình chủ mưu của vụ tăng phí BOT. Tháng 6 năm 2019, Bộ này phát văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương về tăng phí BOT trước khi trình Thủ tướng ‘cờ lờ mờ vờ’.

Một trong những lý do tăng phí BOT do Bộ GTVT nại ra là ‘nếu không tăng phí BOT thì đến năm 2021 sẽ có 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính’. Còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan cấp dưới của Bộ GTVT - đã cố làm cho cánh lái xe và người dân tin rằng hiện có 25 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu, nếu không tăng phí để cứu 25 dự án này thì doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.

Lý do ‘giảm doanh thu và phá sản’ đã từng được những quan chức ngành công thương, như Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - nại ra để cứu EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Vào năm 2015, quan chức này tán thán rằng nếu không cho tăng giá điện, EVN sẽ có nguy cơ bị phá sản, bất chấp thực trạng EVN chính là tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm trong giai đoạn 2007 - 2010 và tìm mọi cách bắt nhân dân phải gánh số nợ đó.

Chỉ đến lúc này, Bộ GTVT mới chịu ‘minh bạch hóa’ cái hậu quả của phong trào quá nhiều doanh nghiệp ồ ạt làm quá nhiều trạm BOT trong những năm trước. Theo số liệu của Bộ này, trong 61 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý có 25 dự án doanh thu thực tế thấp hơn dự báo, 37 dự án phải tăng phí từ 12-18% theo lộ trình cam kết trong hợp đồng. Trong đó, năm 2018 tăng phí 2 dự án, năm 2019 tăng phí 35 dự án, năm 2020 tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021. Bộ GTVT cũng cho biết đến nay đã nhận được đề xuất tăng phí của nhiều nhà đầu tư BOT.

Thế còn phản bác của người dân ra sao?

Nhập nhèm doanh thu, tìm cách lấp liếm

Đài RFA Việt ngữ dẫn lời bà Huệ Như - người đồng hành cùng các tài xế phản đối các trạm BOT đặt sai chỗ, thu phí cao, nêu ý kiến của mình: “Việc nói là doanh thu bị sụt giảm chỉ là hình thức không minh bạch để các chủ đầu tư BOT tiếp tục tìm cách ‘hút máu’ dân. Ví dụ như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo thu có 1,2 tỷ /ngày và giảm dần trong những ngày lễ Tết, thế nhưng khi kiểm toán thì thành ra 1,9 tỷ /ngày và cao điểm lên đến 2 tỷ. Họ đọc báo cáo mồm và nhập nhèm doanh thu để tìm cách lấp liếm và chờ đợi sự cứu viện từ chính phủ. Theo tôi thì không có chuyện lỗ ở bất kỳ BOT nào nếu như minh bạch, công khai trong thu phí.”

Trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ bị dừng việc thu phí bắt đầu từ ngày 10/6/2019 do trạm này không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu của Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Số liệu của Tổng cục này đưa ra sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên cho thấy mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng so với con số 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ngày do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT. Con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.

Ngày 13/2/2019, một vụ cướp 2,2 tỷ đồng xảy ra tại trạm thu phí TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý. Dư luận đặt ra nghi vấn các trạm thu phí BOT thu được số tiền quá cao nhưng lại báo cáo thấp hơn rất nhiều so với thực tế để kéo dài thời gian thu phí hồi vốn đầu tư dự án.

Anh Nguyễn Minh Hùng, trưởng nhóm kiểm đếm xe tại BOT Ninh Lộc phản đối việc Bộ GTVT đề xuất tăng mức thu phí tại một số trạm BOT trên cả nước:

“Nếu Bộ GTVT nói doanh thu sụt giảm thì phải liệt kê rõ trạm nào giảm trạm nào tăng. Nếu một trạm bình thường không xây một tuyến đường nào mới thì doanh thu chỉ có tăng lên chứ không thể nào sụt giảm được. Trước đây trạm BOT Ninh Lộc công bố lên bảng điện tử là thu được trên dưới 24 tỷ một tháng. Khi Hùng cùng người dân kiểm đếm thì trên dưới một tỷ một ngày. Như vậy là khoảng 30 tỷ một tháng. Nếu người dân không kiểm đếm thì sao biết chênh lệch tới 6 tỷ như vậy. Mức thu chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi.”

Hàm cá mập rộng ngoác

BOT hiển nhiên là một nguồn lợi màu mỡ cho nhóm lợi ích giao thông. Đó chính là nguồn cơn vì sao trong suốt một thời gian dài và mặc dù bị phản ứng ngày càng quyết liệt, Bộ GTVT vẫn khăng khăng cố thủ không chịu di dời trạm BOT Cai Lậy, cho dù trạm này rõ ràng đặt sai vị trí.

Âm mưu tăng phí BOT lại xảy ra trong bối cảnh ngân sách loang lổ rệu mục của chính quyền nhiều khả năng bị ‘đụng trần’ vào năm 2019.

Tháng 3 năm 2019, hội thảo "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng" tổ chức tại Hà Nội đã phát ra một đánh giá rất quan trọng: “Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm”.

Bản nghiên cứu của hội thảo đã gián tiếp cảnh báo về nạn ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ của đảng cộng sản và chính phủ của Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’: Nếu xem tiền trong túi dân chúng là một nguồn tài nguyên vô tận thì đó là một não trạng áp đặt rất chủ quan duy ý chí, cả tham lẫn ngu và cực kỳ sai lầm. Cho dù “Bộ Thắt Cổ” (một tục danh mà người dân biệt đãi cho Bộ Tài chính) vẫn còn treo đó thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) mà chưa dám tăng từ 10% lên 12% do phản ứng dữ dội của doanh nghiệp, người dân và còn bởi cơ chế tăng thuế VAT rất nhiều khả năng sẽ nhấn thêm nền kinh tế vào nạn suy thoái, sự thật hiển nhiên và trần trụi là trong hai năm 2017 và 2018, Tổng cục Thuế đã phải chịu cảnh thất thu ở nhiều địa phương, kể cả Sài Gòn - nơi được Hà Nội ví là ‘Con bò sữa’.

Liên tiếp trong nhiều năm qua, dự toán thu ngân sách năm sau đều được ‘quyết’ tăng hơn nhiều so với năm trước – từ 10 đến 12% vào thời kỳ kinh tế còn chưa rơi hẳn vào cơn suy thoái nhưng vẫn vống đến 8 đến 9% trong những năm gần đây, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và tiếng kêu than oán ‘doanh nghiệp và sức dân đã cạn’, mà bằng chứng thảm thiết nhất là tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.

Đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, không chỉ hiện ra nguy cơ thu ngân sách khốn khó mà còn là các khoản vay sắp đến hạn trả. Nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức vào năm 2020 - 2021; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020…làm gia tăng áp lực phải trả nợ trong thời gian tới.

Vậy ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của Quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?

Và ngay trước mắt, ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra tiền để hô hấp cho đảng sau cái năm 2019 ‘thu đụng trần’ này?

Đảng cộng sản thực chất là gì?

Trong lúc không chịu làm bất kỳ điều gì để an dân và dân chủ hóa, chế độ độc tài chỉ biết thông qua các nhóm lợi ích - tài phiệt tăng giá và phí, ồ ạt và tàn nhẫn.

Các âm mưu và chiến dịch tăng thuế xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 11 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gầy guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…

Không thể khác hơn, tăng giá, phí và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.

Mạng xã hội đang sôi sục ý kiến phẫn nộ của người dân: “Đảng cộng sản hôm nay không còn là cộng sản trước đây nữa mà là một nhóm lợi ích bảo kê cho nhau, cho dù đó là việc rất sai “làm đường này thu tiền đường khác” mà ngay cả đảng cũng xác nhận đó là sai; Đảng cộng sản hôm nay không còn là cộng sản ngày trước, khéo léo đàn áp dân mà giờ công khai đàn áp dân và đưa những hình đàn áp đó lên mặt báo. Và như vậy mới thấy không chỉ người dân là con tin của đảng này mà ngay cả các đảng viên cộng sản, quân đội, công an cũng là con tin của đảng này, khi nó lợi dụng danh nghĩa cộng sản để sai họ đi làm những chuyện sai trái để kiếm tiền cho nó”.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG