Đường dẫn truy cập

Vì sao phên mục, giậu ruỗng?


Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)
Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) thuộc Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN về Ban Thường vụ Đảng ủy (BTV ĐU) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) và các sĩ quan trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh BRVT gióng một hồi chuông cảnh báo nữa về sự mục ruỗng của... phên giậu ở Việt Nam.

Việt Nam hiện có hai lực lượng đảm nhiệm vai trò... phên giậu quốc gia là BĐBP và Cảnh sát biển (CSB). Trong khi BĐBP tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới cả trên bộ lẫn ven biển thì CSB là lực lượng tuần tra, kiểm soát và bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cả hai lực lượng cùng thuộc Bộ Quốc phòng.

Nếu xét về đặc điểm thì sự kiện: Các BTV ĐU của BĐBP hai nhiệm kỳ (2015 – 2020 và 2020 – 2025) bị UBKT BCH TƯ đảng cảnh cáo. Hai viên đại tá, một viên thượng tá bao gồm cả Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Phó Chỉ huy trưởng đương nhiệm của BĐBP tỉnh BRVT bị cảnh cáo. Năm viên đại tá khác hoặc đương nhiệm, hoặc từng là Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Phó Chỉ huy trưởng của BĐBP tỉnh BRVT bị khiển trách. Một viên trung tá là Trưởng Ban Tài chính bị khai trừ khỏi đảng (1)... hoàn toàn... không mới!

Tháng trước, UBKT của BCH TƯ đảng từng đưa ra quyết định y như vậy với BTV ĐU BĐBP tỉnh Trà Vinh và số lượng sĩ quan trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Trà Vinh bị khai trừ đảng, tước bỏ chức vụ trong đảng cao hơn gấp ba lần (2). Trước nữa là sự kiện UBKT BCH TƯ xử lý BTV ĐU BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang (3)...

Chẳng riêng lực lượng BĐBP, lực lượng CSB cũng thế. Hồi đầu tháng 10/2021, Ban Bí thư của BCH TƯ đảng đã quyết định cảnh cáo BTV ĐU lực lượng CSB Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 và chín viên tướng là Tư lệnh, Phó Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy, Tham mưu trưởng lực lượng CSB, Tư lệnh CSB của vùng 2, vùng 3, vùng 4. Đến nay, chỉ có hai viên tướng là Tư lệnh vùng 3 và Tư lệnh vùng 4 bị khai trừ và tống giam để điều tra, bảy viên tướng còn lại chỉ bị trước bỏ các chức vụ trong đảng (4).

Cứ xem các thông báo của UBKT thuộc BCH TƯ đảng thì các BTV ĐU từ dưới lên trên của những lực lượng giữ vai trò... phên giậu quốc gia như BĐBP, CSB đều giống hệt nhau: Lợi dụng vai trò... phên giậu để tham nhũng đủ thứ (từ chiếm đoạt các khoản tiền cấp cho hoạt động, các dự án xây dựng, mua sắm trang bị - thiết bị, đến dung dưỡng, tiếp tay cho buôn lậu). Đáng lưu ý, tham nhũng trong lực lượng giữ vai trò... phên giậu là tham nhũng có tổ chức, chi phối toàn bộ cá nhân lãnh đạo lực lượng... phên giậu.

Cứ nhìn vào thông báo kỷ luật những cá nhân trong các BTV ĐU của BĐBP và CSB bị UBKT BCH TƯ kỷ luật hoặc đề nghị Ban Bí thư kỷ luật sẽ thấy, có sự thông đồng, câu kết chặt chẽ giữa những cá nhân này với những cá nhân cao cấp hơn nữa trong Bộ Quốc phòng, thậm chí cao hơn cả Bộ Quốc phòng.

Không như thế, làm sao những viên tướng chủ chốt của lực lượng CSB bị kỷ luật hồi năm ngoái lại bị buộc phải chịu trách nhiệm về các sai phạm xảy ra trong giai đoạn năm năm trước đó? Chẳng lẽ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng “có tai như điếc, có mắt như mù”, không nghe, không thấy gì nên mới tiếp tục phong tướng để giữ hoặc sắp đặt một số viên tướng vốn đã dính líu đến các sai phạm nghiêm trọng vào những vị trí lãnh đạo cao nhất của lực lượng CSB?

Tương tự, chẳng lẽ BTV ĐU và Bộ Tư lệnh BĐBP, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cùng... ngái ngủ nên.... cùng chọn toàn những cá nhân vốn đã đầy tì vết khi còn trong BTV ĐU BĐBP nhiệm kỳ 2015 -2020, làm lãnh đạo chủ chốt của BTV ĐU BĐBP nhiệm kỳ 2020 -2025 của tỉnh BRVT, tỉnh Trà Vinh để đến bây giờ phải... “cảnh cáo” BTV ĐU cả hai nhiệm kỳ? Vì sao lại cất nhắc Chỉ huy trưởng BĐBP Trà Vinh làm Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần của Bộ Tư lệnh BĐBP rồi bây giờ đề nghị kỷ luật?..

***

Hạ tuần tháng 5 năm ngoái, dân chúng Việt Nam chưng hửng khi sát ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBC QG) loan báo đã xóa tên hai Ứng cử viên là ôngNguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và Nguyễn Thế Anh (Đại tá Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang) ra khỏi Danh sách Ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa 15 (5).

Vào thời điểm đó, tuy các cơ quan truyền thông chất vấn Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, phải chăng việc xóa tên hai ứng cử viên vừa kể là do họ phạm pháp nhưng Chủ tịch HĐBC QG không thừa nhận, cũng không phủ nhận mà chỉ ỡm ờ, một xin thôi ứng cử vì “gia cảnh”, một vì “sức khỏe” (5)!

Sau này, các cơ quan hữu trách tại Việt Nam chính thức xác nhận ông Nguyễn Quang Tuấn “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Tuấn bị khởi tố hồi tháng 10/2021 và bị bắt giam hồi tháng 12/2021 (6). Còn ông Nguyễn Thế Anh thì... “bặt vô âm tín”.

Thiên hạ chỉ biết sau khi ông Nguyễn Thế Anh xin thôi ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang có chỉ huy mới là một viên đại tá tên Võ Văn Sử. Không có bất kỳ thông tin nào đề cập đến ông Nguyễn Thế Anh – nhân vật mà các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam từng kháo rằng ông ta đã bị bắt.

Ông Nguyễn Thế Anh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang sau khi Chính ủy BĐBP tỉnh này bị cách chức Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng bị cảnh cáo, Phó Chính ủy bị khiển trách hồi giữa năm 2020. Theo những người rành rẽ hiện tình Việt Nam, chuyện thiếu thông tin liên quan đến kỷ luật đảng, xử lý hình sự như trường hợp ông Nguyễn Thế Anh thường chỉ xảy ra khi đương sự liên quan đến câu kết với ngoại bang, chẳng rõ ông Anh có rơi vào trường hợp này hay không?

***

Nhìn một cách tổng quát, những thông báo của UBKT BCH TƯ về quyết định kỷ luật hay đề nghị kỷ luật, rồi những quyết định kỷ luật của giới lãnh đạo đảng CSVN liên quan đến lực lượng BĐBP, lực lượng CSB cho thấy, các lực lượng giữ vai trò... phên giậu của Việt Nam mục ruỗng từ trên xuống dưới và không thể sửa chữa.

Vì sao? Câu trả lời nằm ở chỗ dẫu những lực lượng này mục ruỗng thế nào, sự thối rữa nguy hiểm cho quốc gia, dân tộc ra sao thì Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, cao hơn là Ban Bí thư, Bộ Chính trị vẫn vô can dù trực tiếp dính líu đến lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự. Thông thường, những kẻ đã dám bán đủ thứ để có tiền đút túi và chia chác với nhau thì sẽ chẳng ngại gì không bán những thứ cao cả, quý giá hơn, song công dân nào có thể kiểm tra, có thể ngăn cản mà không bị qui chụp là... phản động, thù địch?

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/hang-loat-lanh-dao-bien-phong-ba-ria-vung-tau-bi-ky-luat-4416040.html

(2) https://tuoitre.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ky-luat-nhieu-lanh-dao-bien-phong-tinh-tra-vinh-20211201190319772.htm

(3) https://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/kien-giang-ky-luat-3-uy-vien-ban-thuong-vu-ang-uy-bo-oi-bien-phong-tinh

(4) https://baotintuc.vn/chinh-tri/ban-bi-thu-thi-hanh-ky-luat-ban-thuong-vu-dang-uy-canh-sat-bien-viet-nam-nhiem-ky-2015-2020-va-mot-so-ca-nhan-20211001190003836.htm

(5) https://plo.vn/thoi-su/hop-bao-nong-2-truong-hop-nguyen-quang-tuan-nguyen-the-anh-986838.html

(6) https://tuoitre.vn/bat-cuu-giam-doc-benh-vien-tim-ha-noi-nguyen-quang-tuan-20211210141449896.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG