VOA – Có khoảng hơn 6 ngàn người Việt Nam đã ra khỏi Ukraine, và khoảng 500 người còn ở lại vì những lý do khác nhau, theo Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, Nguyễn Hồng Thạch. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây với VOA, Đại sứ Thạch nói về tình hình sơ tán của cộng đồng Việt Nam và lý do tại sao sơ tán muộn hơn các nước khác.
***
VOA: Hiện Đại sứ đang ở đâu? Ông có còn ở tại trụ sở Đại sứ quán (Việt Nam) ở Kyiv hay không?
ĐS Thạch: Tôi không ở Kyiv nhưng tôi ở Ukraine. Tôi là người cuối cùng rời sứ quán nhưng chúng tôi vẫn có người trông nom (sứ quán).
VOA: Đại sứ đã phải rời khỏi sứ quán lúc nào?
ĐS Thạch: Tôi rời đi rất muộn. Đại sứ quán Việt Nam là một trong những đại sứ quán cuối cùng rời khỏi Kyiv.
VOA: Tình hình cộng đồng người Việt đã sơ tán như thế nào, thưa Đại sứ?
ĐS Thạch: Chúng tôi có thể nói rằng đến giờ này những ai muốn sơ tán là đã sơ tán cả. Tại sao tôi có thể nói như vậy? Chúng tôi dựa trên thứ nhất là báo cáo của hội đoàn, thứ hai là chúng tôi có phương pháp kiểm tra chéo. Khi chúng tôi không nhận được nữa các yêu cầu giúp đỡ để sơ tán thì chúng tôi có thể hiểu là những người muốn sơ tán đã sơ tán hết. Bây giờ đi lên Lviv hay đi sang biên giới với Moldova, con số chỉ là dưới chục người mỗi ngày. Với con số như thế lên biên giới càng chứng tỏ báo cáo của chúng tôi dựa trên báo cáo của hội đoàn và kiểm tra chéo thì nhận định đó khá là chính xác.
VOA: ĐSQ có con số thống kê bao nhiêu người Việt đã ra khỏi Ukraine không?
ĐS Thạch: Ra khỏi Ukraine, người Việt Nam có hai dạng: những người mang giấy tờ Việt Nam và những người mang giấy tờ Ukraine. Qua con số của biên phòng, chúng tôi chỉ có thể nhận được con số những người mang giấy tờ Việt Nam. Con số đó đến giờ này là hơn 3.000 người. Còn những người Việt Nam ở Ukraine mấy chục năm thì họ mang giấy tờ Ukraine rất nhiều, thậm chí một số đi qua biên phòng là không có giấy tờ. Theo như báo cáo và quan sát của chúng tôi thì con số (người Việt đã ra khỏi Ukraine) chắc chắn là trên 6.000. Hiện giờ con số ở lại mà chúng tôi nắm được là khoảng 500 người. Những nơi người Việt tập trung nhiều thì họ phân công nhau ở lại. Lấy ví dụ như Odesa, nơi có Làng Sen, con số phân công ở lại (của người Việt) là 100.
VOA: Tại sao họ ở lại?
ĐS Thạch: Họ ở lại để trông nom tài sản. Người Việt sinh sống ở các nơi đó có tài sản nên không thể tất cả kéo đi được. Nếu tất cả đi thì sẽ đứng trước nguy cơ bị nạn hôi của. Như thế họ có thể mất tài sản không phải vì chiến tranh mà vì nạn hôi của. Chính vì vậy mà bà còn cử một số lại để trông coi tài sản.
VOA: Kể từ trước khi xảy ra cuộc tấn công của Nga và cho đến lúc này, Đại sứ quán đưa ra những chỉ dẫn gì cho cộng đồng người Việt không?
ĐS Thạch: Cuộc chiến tranh nào cũng bất ngờ cả. Cuộc chiến tranh này cũng thế. Có những cảnh báo của Mỹ, của Anh thế nhưng với những cảnh báo ấy thì lãnh đạo Ukraine cũng không nghĩ là chiến tranh sẽ xảy ra. Cảnh báo khác thông báo. Đến Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo Ukraine đều nghĩ rằng cuộc chiến không xảy ra. Chính vì thế nên Đại sứ quán Việt Nam và đại sứ quán nhiều nước đều đánh giá là không xảy ra chiến tranh.
Sau hai ngày xảy ra chiến tranh rồi thì chúng tôi nhận định rằng ngay cả khi Nga tuyên bố không tấn công vào khu dân sự thì chúng ta cũng thấy rằng có hòn tên mũi đạn. Khi máy bay không người lái của Nga bị bắn rơi đâm vào các toà nhà dân cư; rồi khi một nhà Việt kiều bị một quả tên lửa (rơi trúng) tan cả nhà, may mà không có ai trong nhà cả, thì Đại sứ quán thấy là mặc dù tuyên bố như vậy nhưng chiến tranh không thể đùa được. Và chính vì thế chúng tôi kiên quyết là phải sơ tán. Ngày 26 (tháng 2), tức là hai ngày sau cuộc chiến, chúng tôi làm việc với các hội Việt Nam ở Kyiv, Kharkov và Odesa, và bàn là phải sơ tán.
VOA: Trước khi cuộc tấn công (của Nga) xảy ra, Đại sứ có trấn an bà con bình tĩnh và không nghe thông tin gây hoang mang cũng như xác định là sẽ không sơ tán. Việc sơ tán sau này có quá muộn không?
ĐS Thạch: Trước đó thì những ai sơ tán? Chỉ có một số người Anh, người Mỹ ở đây. Người Anh, người Mỹ ở đây khác với người Việt. Người Anh, người Mỹ ở đây họ không có tài sản mấy chục năm ở Ukraine như người Việt Nam nên người ta dễ dàng sơ tán lắm. Đến giờ này một số người (Việt) vẫn không muốn sơ tán vì toàn bộ cơ ngơi sự nghiệp của họ ở đây.
Ai nghĩ được rằng người ta có thể chấp nhận một cuộc chiến hao người tốn của và mất nhiều sinh mạng đến thế. Chúng tôi đã có nhận định rằng nếu có cuộc chiến xảy ra thì bên nào cũng sẽ tổn thất rất lớn và về mặt logic, người ta sẽ không tiến hành chiến tranh. Thế nhưng đến giờ này chúng ta thấy rất rõ tổn thất như thế mà người ta vẫn tiến hành chiến tranh. Cái đấy là phi logic.
Lãnh đạo Ukraine cũng nói thông tin có chiến tranh là “thổi phồng.” Chính lãnh đạo Ukraine là những người nhận thông tin tuyệt mật của Mỹ và Anh cũng không tin vào những thông tin tuyệt mật ấy thì liệu những người như chúng tôi, các nhà ngoại giao ở Kyiv, có đủ thông tin để tin rằng là cuộc chiến tranh sẽ xảy ra không?
Cho rằng là thông tin “thổi phồng” nên chúng tôi cũng khuyên bà con là bình tĩnh làm ăn. Nếu như xảy ra lại thì tôi nghĩ về mặt logic chúng tôi vẫn phải nói như thế với bà con. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chúng tôi bình tĩnh và xử lý dứt khoát. Nên trong một thời gian ngắn chúng tôi đã sơ tán tất cả những người cần sơ tán khỏi vùng chiến sự.
VOA: Khi Nga quyết định tấn công, Đại sứ và cộng đồng người Việt có bất ngờ không?
ĐS Thạch: Nga quyết định tấn công thì tất nhiên là bất ngờ. Từ ngày 24 (tháng 2), khi Nga tấn công, đến ngày 26 (tháng 2) thì ngoại giao đoàn vẫn nghe ngóng bởi vì ai có thể biết được chiến tranh sẽ xảy ra như thế nào. Có những tuyên bố rằng chiến tranh chỉ trong vòng 72 tiếng. Nếu vậy không đủ thời gian để sơ tán và cũng không cần phải sơ tán. Và lại có những tuyên bố là chiến tranh xảy ra nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các (khu vực) dân sự. Nhưng sau khi có những vụ xảy ra với khu dân cư và với cả người Việt thì chúng tôi thấy không thể chờ được nữa. Không thể tin vào những (tuyên bố) là không đánh vào khu dân cư. Ngày 26 chúng tôi quyết định kêu gọi bà con sơ tán.
Đến giờ này còn khoảng 500 người Việt đang còn ở lại Ukraine chưa sơ tán, chủ yếu ở Mariupol, Donetsk và Kherson. Trong đó có khoảng 300 người ở lại để trông coi tài sản và vì gia đình.
VOA: Có hàng chục người Việt ở Kherson còn đang mắt kẹt và nói rằng họ đang chờ Đại sứ quán và Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đến “giải cứu”. Đại sứ sẽ làm gì?
ĐS Thạch: Tôi làm việc thường xuyên với nhóm đó. Chúng tôi đã làm danh sách chuyển cho phía Nga. Tôi cũng phối hợp với đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ là cùng nhau rút công dân của mình ra khỏi Kherson. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ còn cho chúng tôi một phương án là nếu cùng nhau rút thì phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có máy bay để đón người về Thổ Nghĩ Kỳ và chúng tôi có thể cho công dân (Việt Nam) đi theo trên máy bay. Chúng tôi phối hợp với cả Thổ Nhĩ Kỳ và OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu). Nhưng cho đến giờ này chỉ có OSCE thoát ra được. Hiện chúng tôi đang làm việc với phía Nga để có thoả thuận song phương để rút công dân Việt Nam ra khỏi Kherson.
VOA: Việt Nam bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm lên án Nga và kêu gọi chấm dứt chiến tranh trong khi Đại biện lâm thời Ukraine ở Hà Nội kêu gọi Việt Nam "nêu đích danh kẻ xâm lược." Đại sứ bình luận gì?
ĐS Thạch: Tôi trả lời các câu hỏi về vấn đề sơ tán. Các câu hỏi khác không thuộc thẩm quyền của tôi.
VOA: Đại sứ đảm nhiệm công tác đưa cộng đồng ra khỏi vùng chiến sự. Vậy có kế hoạch hậu sơ tán không?
ĐS Thạch: Kế hoạch hậu sơ tán, hậu chiến tranh thì tôi nghĩ rằng bà con sẽ quay trở về. Bà con ở đâu sẽ quay trở về đấy. Lúc đó bà con gặp khó khăn gì thì chúng tôi sẽ hỗ trợ.
VOA: Xin cám ơn Đại sứ!
(Cuộc phỏng vấn được biên tập nhằm làm rõ nghĩa và đáp ứng độ dài phù hợp)