Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020, nhảy hai bậc so với năm trước đó, nhờ vào kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng tăng cao lịch sử .
Theo Bộ Công thương, mặc dù 2020 là một năm nhiều khó khăn đối với kinh tế trên toàn thế giới nhưng với việc kiểm soát thành công dịch COVID-19 của cả Việt Nam và Trung Quốc, thương mại hai chiều giữa hai nước “tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định” và điều này “góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và ngoại thương” của cả hai quốc gia.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố mới đây được VOV và VTV trích dẫn cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt mức kỷ lục hơn 192 tỷ USD trong năm 2020, tăng 18,7% so với năm trước đó. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng phương Bắc tăng 22,4%.
Với mức kim ngạch hai chiều kỷ lục , Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Đức, và trước đó là Úc, để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu. Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Đào Việt Anh, được Đài Tiếng nói Việt Nam trích lời nhận định rằng đây là “thành tích khả quan trong trao đổi thương mại giữa hai bên.”
Việt Nam tiếp tục khẳng định là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN, theo vị tham tán này cho biết.
Cách đây hai năm, Việt Nam vượt Malaysia để vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á khi kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa hai quốc gia có chung 1.400km đường biên giới đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD vào năm 2018.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất cũng như thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Tuy nhiên điều này gây ra lo ngại rằng Việt Nam sẽ ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Bloomberg từng cảnh báo rằng với kim ngạch xuất khẩu tương đương 100% tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam trong năm 2017, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi thị trường đó là Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế trong nước.
Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục tăng cao khi nhập khẩu từ quốc gia này vào Việt Nam đạt 84,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước đó, theo thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam được Sở Công thương TPHCM trích dẫn.
Mức nhập siêu từ thị trường Trung Quốc có giá trị 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019.
Để cải thiện vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc, theo Tham tán của ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong năm 2020 đã mở cửa thị trường cho sản phẩm thạch đen của Việt Nam trong khi phía Việt Nam tiếp tục đàm phán thúc đẩy phía Trung Quốc sớm nhập khẩu các sản phẩm có thế mạnh đem lại giá trị tăng cao của Việt Nam như tổ yến, sầu riêng, và khoai lang. Ông Việt Anh cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam và Trung Quốc ký kết với các nước trong khu vực vào năm ngoái sẽ “tạo lực hút mạnh mẽ đối với doanh nghiệp lớn của Trung Quốc chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới.”