Công an ở tỉnh Vĩnh Phúc vừa bắt giam ông Trần Ngọc Sơn, người dùng Facebook với tên Trần Giảm, vì đăng nhiều bài viết “đả kích chính quyền”, “ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh liên quan cuộc bầu cử” sắp diễn ra.
Cổng thông tin Công an Vĩnh Phúc hôm 20/5 loan tin rằng ông Trần Ngọc Sơn, 56 tuổi, bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Chính quyền Vĩnh Phúc cho rằng ông Sơn “đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung đả kích, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức của Đảng”.
Những bài viết và video của ông Sơn bị cho là “có tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh liên quan cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026”.
Trong một đoạn bình luận hôm 8/5 về việc so sánh bầu cử Việt Nam và Mỹ, trang Facebook Trần Giảm viết: “Bọn Mỹ lắm chuyện, bầu cử xong rồi mà luật pháp vẫn soi mói nhau để phế truất người thắng cử. Bọn ta cộng sản văn minh hơn, bầu lúc nào cũng 89%-99% thành công tốt đẹp, còn nhìn xa trông rộng đến 2045 và lâu dài hơn nữa, kể cả nhiều kẻ ngu tham, không hiểu biết Hiến pháp và pháp luật, nhưng vẫn làm lãnh đạo tốt.”
Trong diễn biến liên quan, hôm 20/5, tổ chức nhân quyền Article 19 có bài viết “Việt Nam cần chấm dứt đàn áp tiếng nói độc lập trước bầu cử”, trong đó kêu gọi Hà Nội nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người có nguyện vọng ứng cử nhưng đang bị giam giữ như Trần Quốc Khánh, Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thành, và thực hiện các bước để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, kể cả trên mạng, trong mọi vấn đề liên quan đến bầu cử Quốc hội.
Ông Matthew Bugher, Trưởng Chương trình châu Á của tổ chức Article 19, nói: “Việc giam giữ những ứng cử viên tự ứng cử chỉ vì đã thảo luận về luật pháp và chính trị của Việt Nam trên mạng xã hội là bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử sắp tới sẽ chẳng có gì khác ngoài một trò hề”.
“Chắc chắn không ai có thể mong đợi một cuộc bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam, nhưng các biện pháp đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến là rất đáng báo động.”
Theo tổ chức Article 19, làn sóng đàn áp gần đây của Việt Nam trước thềm bầu cử Quốc hội ngày 23/5 trái với các nguyên tắc quốc tế về tự do ngôn luận và bầu cử cũng như nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.
“Đối thoại cởi mở và quyền tự do bày tỏ ý kiến phản biện là những yếu tố nền tảng của nền dân chủ và đặc biệt quan trọng trong thời gian bầu cử,” ông Bugher nói. “Việt Nam nên chấm dứt tình trạng quấy rối các ứng cử viên độc lập và thực hiện các bước ngay lập tức để thúc đẩy một nền truyền thông tự do, độc lập và đa dạng.”
Truyền thông Việt Nam hôm 19/5 dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, Phát ngôn viên Bộ Công an cho biết: “Các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu ngày càng có nhiều âm mưu, hoạt động chống phá quyết liệt, ngày càng manh động, liều lĩnh”, và kêu gọi cảnh giác với “những âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng cuộc bầu cử để chống phá Đảng, Nhà nước.”