Đường dẫn truy cập

Việt Nam và Ấn Độ tập trận chung trên Biển Đông trước lo ngại về Trung Quốc


Tàu của hải quân Ấn Độ và Việt Nam tập trận trên Biển Đông giữa bối cảnh hai quốc gia đang tăng cường hợp tác trước những quan ngại về hành xử của Trung Quốc trong khu vực
Tàu của hải quân Ấn Độ và Việt Nam tập trận trên Biển Đông giữa bối cảnh hai quốc gia đang tăng cường hợp tác trước những quan ngại về hành xử của Trung Quốc trong khu vực

Việt Nam và Ấn Độ vừa kết thúc cuộc tập tận chung trên Biển Đông giữa bối cảnh hai quốc gia đang tăng cường hợp tác cả về kinh tế lẫn quân sự trước những quan ngại về hành xử của Trung Quốc trong khu vực.

Cuộc tập trận chung diễn ra gần một tuần sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi gặp mặt tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, trong đó hai bên ký kết 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực gồm quốc phòng và năng lượng, cũng như đưa ra một tầm nhìn chung về hoà bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ cho biết trên Twitter, hải quân Ấn Độ và Việt Nam có cuộc tập trận chung hôm 26/12 nhằm củng cố thêm “khả năng tương tác và liên kết hàng hải” giữa hai bên.

Trong khi đó truyền thông Việt Nam cho biết các tàu chiến săn ngầm của Việt Nam và Ấn Độ đã có cuộc tập trận vận động đội hình (PASSEX) và luyện tập thông tin liên lạc trên vùng biển Việt Nam hôm 26/12.

Tàu hộ vệ INS Kiltan của Ấn Độ cập cảng Nhà Rồng ở TP HCM hôm 24/12 trước khi tham gia tập trận với tàu chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong hai ngày 26 và 27/12. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, con tàu này đã mang tới Việt Nam 15 tấn hàng viện trợ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Các trận bão và lũ lụt ở miền Trung trong năm nay đã khiến hàng trăm người chết và mất tích cũng như gây thiệt hại cho Việt Nam hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vẫn theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chuyến thăm của tàu INS Kiltan là một phần trong “Mission Sagar-III” – một sứ mệnh của New Delhi nhằm hỗ trợ nhân đạo cho các nước gần gũi với Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Tầm nhìn SAGAR (Security and Growth for All in the region) được triển khai dưới thời Thủ tướng Modi, và theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tầm nhìn này hướng tới việc xây dựng hình ảnh Ấn Độ là một đối tác tin cậy, và Hải quân Ấn Độ là một lực lượng bảo vệ an ninh và phản ứng đầu tiên trước các biến cố trong khu vực.

Bộ này cũng cho biết chuyến thăm này của tàu INS Kiltan nhằm “tăng cường hợp tác hàng hải giữa hải quân hai nước và sẽ gắn kết thêm tình hữu nghị giữa hai nước cũng như đóng góp vào an ninh và ổn định trong khu vực.”

Ấn Độ đã cấp khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD để đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam với chiếc đầu tiên đã hoàn tất và dự kiến sẽ sớm được bàn giao, theo Tuổi Trẻ.

Thủ tướng Modia, tại hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Phúc hôm 22/12, nói rằng Việt Nam là “một trụ cột chính” trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và là một đối tác quan trọng trong sáng kiến Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quốc gia đang nổi lên về tiềm lực quân sự này.

Trước đó vào cuối tháng 11, Ấn Độ cam kết giúp Việt Nam “mọi khả năng có thể” để hiện đại hoá lực lượng vũ trang cũng như tăng cường năng lực hàng hải trong một cuộc hội đàm trực tuyến giữa các bộ trưởng quốc phòng của hai nước, trong đó Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Ấn Độ bàn thảo các vấn đề an ninh trong khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Các hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm qua được cho là đã đẩy Hà Nội và New Delhi lại gần nhau hơn trong một mối quan hệ đối tác ngày càng khăng khít về quân sự được xem là để làm đối trọng với Trung Quốc.

Những hoạt động này đã nằm cao trong nghị trình khi Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harch Vardhan Shringla hồi tháng 8, và trong cuộc thảo luận trực tuyến giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với người đồng cấp của ông phía Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar sau đó trong tháng.

XS
SM
MD
LG