Đường dẫn truy cập

Việt Nam bán Sabeco là mất ‘gà đẻ trứng vàng’?


Việt Nam bán thành công hơn 53% cổ phần doanh nghiệp nhà nước Sabeco cho một nhà đầu tư Thái
Việt Nam bán thành công hơn 53% cổ phần doanh nghiệp nhà nước Sabeco cho một nhà đầu tư Thái

Nhà nước Việt Nam dự kiến thu về 4,8 tỉ đôla từ việc bán hơn 53% cổ phần của công ty Sabeco cho một nhà đầu tư Thái Lan, theo tin tức trên báo chí Việt Nam mới đây. Một số nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đã mang việc bán Sabeco ra so sánh với việc bán đi ‘con gà đẻ trứng vàng’ để bình luận về giao dịch này.

Trong phiên đấu giá hôm 18/12 do Bộ Công thương tổ chức, công ty Vietnam Beverage thuộc sở hữu gián tiếp của nhà đầu tư Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lô 343,66 triệu cổ phiếu của Sabeco với tổng giá trị lên đến gần 110 nghìn tỉ đồng.

Sabeco, với tên đầy đủ là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.

...nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét việc bán một lượng rất lớn cổ phiếu Sabeco với giá cao hơn đáng kể giá chào ban đầu và giao dịch diễn ra mau lẹ “có thể xem là một thành công”, xét về mặt kỹ thuật trong quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói có một khía cạnh “cần rút kinh nghiệm” từ giao dịch này:

“Sabeco là một con gà đẻ trứng vàng mà [Việt Nam] chúng ta lại bán cho nhà đầu tư Thái Lan lên đến tỉ lệ 53%, làm cho nhà đầu tư Thái Lan sẽ có thế thượng phong trong việc điều hành doanh nghiệp này, là điều cần rút kinh nghiệm. Bởi vì nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta”.

Trong một báo cáo trước quốc hội Việt Nam hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay tính đến hết tháng 8, chính phủ đã hoàn thành cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước và ước tính cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa tổng cộng 38 doanh nghiệp nhà nước.

Cổ phần hóa là thuật ngữ nhà nước Việt Nam dùng để chỉ việc tư nhân hóa một phần hoặc đa phần một doanh nghiệp nhà nước.

Trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có những tên tuổi hàng đầu như Vinamilk, 3 thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), 1 thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đối với các hãng sản xuất hàng tiêu dùng thông thường như Vinamilk hay Sabeco, Tiến sĩ Doanh nói việc cổ phần hóa là “có thể hiểu được”:

“Các doanh nghiệp như là bia hay sữa không phải là các doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Đấy là các doanh nghiệp có lãi nhưng hoàn toàn có tính chất thương mại và phục vụ trong một thị trường bây giờ đã hội nhập sâu và phải cạnh tranh quốc tế”.

Theo một số hãng nghiên cứu thị trường, trích dẫn số liệu của chính các công ty liên quan, hết năm 2016, dù Sabeco nắm giữ thị phần hơn 40% so với 25% của Heineken Việt Nam song lợi nhuận trước thuế của Sabeco chỉ bằng 60% của con số gần 9 nghìn 500 tỉ đồng mà Heineken đạt được.

Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Sau phiên đấu giá hôm 18/12, một số người nêu lên băn khoăn liệu khi Sabeco thuộc về nhà đầu tư Thái, điều này có đồng nghĩa với thương hiệu bia Sài Gòn sẽ biến mất và bị thay thế bằng sản phẩm mang thương hiệu Thái? Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng điều đó là một khả năng có tính thực tiễn cao, nhưng ông chủ mới của hãng sẽ phải rất cân nhắc trước khi làm như vậy:

“Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động”.

Chưa có thông tin chính thức từ chính phủ Việt Nam về việc số tiền 4,8 tỉ đôla thu được sau giao dịch bán cổ phần Sabeco sẽ được nộp vào đâu và quản lý như thế nào.

Một số chuyên gia theo dõi cổ phần hóa ở Việt Nam dẫn Luật Ngân sách và Nghị định 126 của năm 2017 đưa ra tiên liệu rằng số tiền đó có thể chảy về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, một phần do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước quản lý, bên cạnh đó là nộp vào ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương.

Hồi tháng 5, báo chí Việt Nam cho hay chính phủ muốn cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ vào năm 2020. Số tiền thu về cho ngân sách nhà nước từ quá trình này có thể lên đến khoảng 11 tỷ đôla, tương đương hơn 10% tổng nợ công quốc gia.

Bán Sabeco, Việt Nam mất ‘gà đẻ trứng vàng’?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:28 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG