Với khối tài sản ước tính trị giá 1,2 tỷ đô la, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, vừa được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách những tỷ phú của thế giới.
Trong danh sách “những người giàu nhất hành tinh” do tạp chí doanh nhân Mỹ danh tiếng vừa công bố, Việt Nam có 2 tỷ phú trong đó bà Thảo là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam được Forbes công nhận là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn VinGroup, với khối tải sản 2,4 tỷ đô la xếp thứ 867, và tỉ phú thứ hai là bà Thảo, người sáng lập ra hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, xếp thứ 1.678 trên thế giới.
"Mà hàng không ở Việt Nam lại là một lĩnh vực kinh doanh mà từ rất lâu thuộc độc quyền của Vietnam Airlines. Khi VietJet tham gia vào thực sự đã làm thay đổi bức tranh thị trường hàng không ở Việt Nam rất mạnh."Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế
Bà Thảo, theo truyền thông trong nước đưa tin, từng giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Vào tháng 2 vừa qua bà Thảo đã phát hành IPO cho VietJet Air để đưa hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán. VietJet Air được mệnh danh là hãng hàng không “bikini airlines” sau khi tung ra loạt quảng cáo cho hãng hàng không giá rẻ nội địa này với loạt ảnh các người mẫu mặc đồ tắm 2 mảnh trên các chuyến bay của họ.
Kinh tế gia Phạm Chi Lan ca ngợi sự “dũng cảm” của bà Thảo trong việc tham gia kinh doanh vào lĩnh vực hàng không. "Cô ấy cùng với chồng đã làm nhiều việc kinh doanh thành công ở các nước Liên Xô Đông Âu cũ cũng như sau này về Việt Nam làm việc thì có trải nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Nhưng lĩnh vực cô ấy làm là thành lập công ty VietJet và để từ đó trở thành tỷ phú là một lĩnh vực tôi rất ấn tượng. Mà tôi cho là phụ nữ đi vào lĩnh vực hàng không đã là rất khó rồi. Mà hàng không ở Việt Nam lại là một lĩnh vực kinh doanh mà từ rất lâu thuộc độc quyền của Vietnam Airlines. Khi VietJet tham gia vào thực sự đã làm thay đổi bức tranh thị trường hàng không ở Việt Nam rất mạnh."
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế này, sự ra đời của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air “tạo cho người tiêu dùng cơ hội chọn lựa mới với một hãng hàng không mới áp dụng giá rẻ, linh hoạt” và “tạo ra động lực cạnh tranh buộc Vietnam Airlines phải thay đổi nhiều để phục vụ khách hàng tốt hơn.”
Theo Reuters cho biết VietJet đã đặt 1 đơn hàng lớn nhất chưa từng có trong ngành hàng không Việt Nam với 20 máy bay Airbust A312, tổng trị giá 2.4 tỷ đô la và 100 máy bay Boeing 737, tổng trị giá 11.3 tỷ đô la.
Tạp chí Forbes cho biết đây là lần đầu tiên bà Thảo là một trong 15 người mới lọt vào danh sách của Forbes và là người phụ nữ duy nhất của Đông Nam Á trở thành tỷ phú tự thân của thế giới. Theo bà Lan, ở Việt Nam không có nhiều người có thể kế thừa được sự nghiệp của gia đình do điều kiện lịch sử qua nhiều năm thuộc địa và chiến tranh liên miên. Do đó họ phải tự thân làm giàu và đặc biệt khó trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam khi có “một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung rất lâu.”
Bà Lan cho biết "30 năm nay mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng cũng chưa hoàn tất thể chế thị trường. Trong điều kiện đó thì những nhà tỷ phú ở Việt Nam muốn thành công được thì phải tự thân chứ không có cách nào khác. Nhưng họ tự thân được và trở thành tỷ phú được trong điều kiện như vậy thì càng chứng tỏ là họ thực sự có chí và có khả năng kinh doanh rất tốt."
Cũng như nhiều triệu phú và tỷ phú đô la ở Việt Nam, bà Thảo cũng bắt đầu giàu lên từ việc kinh doanh bất động sản. Với việc tăng trưởng nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu là những “đại gia” của sàn chứng khoán. Theo báo cáo Wealth Report 2017 của Knight Frank, hiện Việt Nam có 14.300 triệu phú đô la, tăng hơn 320% trong 1 thập kỷ qua. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam hiện có 3 tỷ phú đô la. Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam Trịnh Văn Quyết không có tên trong danh sách của Forbes vừa mới công bố.
Trên danh sách mới công bố của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, 48 tuổi, được Forbes xếp cùng hàng với nhiều tỷ phú khác trên thế giới và có nguồn tài chính từ bất động sản. Ông Vượng được biết tới là người sở hữu khu quần thể du lịch VinPearl, khu mua sắm Vincom và khu biệt thự nhà ở Vinhome và Vincom Village. Chủ tập đoàn VinGourp đã có bước nhảy 144 bậc so với năm ngoái (hạng 1.011) và đây là lần thứ 5 liên tiếp ông Vượng lọt vào danh sánh này.
Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định rằng “những tỷ phú Việt Nam là những người khôn ngoan trong việc tạo ra các mối quan hệ với giới quyền lực để chia sẻ "địa tô", tức chênh lệch gia đất, khai thác khoáng sản, đốn gỗ phá rừng,” và họ giàu lên nhanh chóng nhờ chứng khoán và các mối quan hệ. "Đặc điểm của những người này: họ rất khéo léo và có mối quan hệ thân thiết với giới có chức có quyền bởi vì vậy họ tiếp cận được những miếng đất vàng. Đặc điểm thứ 2 là họ không có đóng góp gì cho việc phát triển khoa học công nghệ cả. Họ chẳng có bằng phát minh, chẳng có sáng chế. Họ không có gì hết. Thế nhưng họ rất giàu."
Tiến sỹ doanh cho rằng những triệu phú, tỷ phú này làm giàu “không bằng cách sáng tạo và không gia tăng của cải cho xã hội.” Ông cho rằng đó là những điểm khác biệt của họ so với những triệu phú, tỷ phú của thế giới.
Tỷ phú Bill Gates người có bản quyền sáng chế và phần mềm Microsoft, được tiến sỹ Doanh đánh giá là một đóng góp to lớn cho xã hội, tiếp tục là người đứng đầu danh sách của Forbes năm nay với tổng tài sản trị giá 86 tỷ, trên 2 tỷ phú khác cũng của Mỹ - Warren Buffet và Jeff Bezos ở vị trí thứ 2 và 3.
Trong khi đó, tỷ phú Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều đã tụt 64 bậc trên danh sách Forbes 400 của năm nay. Thứ hạng của tỷ phú từng có mối tình với người mẫu Ngọc Trinh – người tham gia quảng bá cho loạt ảnh bikini của VietJet Air, trên danh sách 400 người giàu nhất của Mỹ năm nay là 213. Tỷ phú 72 tuổi đứng thứ 22 trong danh sách nhập cư và thứ 137 trong danh sách các tỷ phú tự thân.