Bộ Công thương Việt Nam vừa mở một cuộc điều tra đối với tháp điện gió có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà có thể dẫn đến việc áp chống thuế bán phá giá lên các sản phẩm này, theo sau các khiếu nại từ các nhà sản xuất trong nước.
Thông tin được Báo Điện tử Chính phủ đưa ra hôm 30/9, trong đó nói rằng quyết định tiến hành điều tra của Bộ Công thương được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp biện pháp chống bán phá giá được nộp ngày 25/7/2022 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp đại diện được nêu trong hồ sơ, theo báo Chính phủ, gồm có Công ty TNHH CS WIND Việt Nam và Công ty TNHH Năng lượng xanh và Tái tạo Phương Nam. CS WIND Việt Nam nằm trong số các công ty của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sản phẩm tháp điện gió vào thị trường Mỹ.
Bộ Công thương cho biết, ngành sản xuất trong nước cáo buộc rằng các sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam.
“Hành vi bán phá giá này đang gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước,” Bộ Công thương được báo Chính phủ trích dẫn cho biết.
Bộ này cho biết họ sẽ đánh giá hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, thiệt hại của ngành sản xuất ở Việt Nam và “mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm trong nước.”
“Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước,” theo báo Chính phủ.
Bộ Công thương không đưa ra mốc thời gian cho việc hoàn thiện cuộc điều tra nhưng nói rằng hạn cuối để các cá nhân và tổ chức đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với Cơ quan điều tra là ngày 18/12/2023.
Cả Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê của Việt Nam đều không cung cấp số liệu về tháp điện gió nhập khẩu.
Tháp điện gió nhập khẩu vào Việt Nam hiện được hưởng mức thuế tối huệ quốc (MFN) là 3%. Theo Bộ Công thương, các nhà sản xuất trong nước đang đề xuất mức thuế chống bán phá giá là 97%.
Việt Nam đang tìm cách tăng cường phát triển năng lượng từ gió trong lúc nhắm mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này và hướng tới mục tiêu có điện gió chiếm 18,5% tổng nguồn năng lượng vào năm 2030.
Các công ty của Trung Quốc và cả Việt Nam đều bị Mỹ điều tra chống bán phá giá khi xuất khẩu tháp điện gió vào thị trường này từ năm 2012. Khiếu nại của các nhà sản xuất Mỹ lúc đó tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng các tháp điện gió nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị cho là đã được bán phá giá vào Mỹ. Theo các nhà quan sát, cuộc điều tra chủ yếu nhắm vào Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp Việt Nam bị nghi ngờ làm bình phong cho Trung Quốc đưa hàng vào Mỹ.
Một chuyên gia kinh tế hồi năm 2018 nói với VOA rằng Mỹ áp thuế không nhằm mục đích đối phó với hàng xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam mà là có xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm tránh việc các doanh nghiệp Trung Quốc mượn con đường xuất khẩu từ Việt Nam để né thuế nhập khẩu Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc đặc biệt bị áp thuế cao kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào năm 2018.
Diễn đàn