Việt Nam đang nỗ lực giảm bớt tai nạn xe cộ và ô nhiễm không khí do giao thông gây ra.
Theo số liệu của tổ chức từ thiện Bloomberg Philantropies, mỗi năm có khoảng 14.000 người Việt Nam chết vì tai nạn xe cộ, khiến cho Việt Nam, quốc gia với dân số 90 triệu, là một trong 10 quốc gia hàng đầu có số tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên con số đó có thể giảm xuống khi Việt Nam thử nghiệm các cách thức nhằm giảm lượng xe lưu thông cũng như giảm bớt các chất gây ô nhiễm không khí.
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã đưa ra một loạt đề xuất, từ việc hạn chế xe hơi vào các khu vực trung tâm thành phố, đến đầu tư thêm cho các vĩa hè và xe hơi chạy bằng điện, cho đến việc thay đổi giờ học của một số trường cũng giờ làm việc ở một số nơi.
Lựa chọn cuối cùng, nhằm mục đích giảm xe cộ lưu thông trong các giờ cao điểm, đã áp dụng một số nơi ở Hà Nội, nhưng sẽ mở rộng đến thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi thành phố này đều có trên 7 triệu dân.
Ông Trịnh văn Chính, một nhà tư vấn cho Bộ Giao thông Vận tải, nói rằng thay đổi giờ giấc là điều bất tiện nhưng cần thiết.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Đại học Giao thông Vận tải ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nơi ông dạy, ông Chính nói:
“Chúng ta phải giúp người dân hiểu rõ hơn là vấn đề này thực sự cấp bách.
Những người lập kế hoạch hy vọng rằng với cách xếp giờ học và giờ làm việc xen kẽ, họ có thể giảm tai nạn giao thông xuống đến khoảng 10% và giảm nạn kẹt xe khoảng 30%.
Một số người đã chỉ trích và thậm chí còn chế giễu chính sách này.
Giải quyết nạn ùn tắc giao thông
Tuy nhiên ông Akira Hosomi, người đang giúp Việt nam xây hệ thống xe điện ngầm, thông qua nhóm Tư vấn Quốc Tế Nhật Bản về Giao thông, nói rằng chính sách này có thể thành công vì ông đã thấy những ý tưởng tương tự như vậy mang đến kết quả ở nơi khác.
Ông nói rằng Singapore tính tiền vé thấp hơn cho hành khách đi xe điện ngầm trong những giờ ngoài giờ cao điểm nhằm giảm tình trạng quá tải.
Bên cạnh việc đưa hệ thống xe điện ngầm đầu tiên của Việt Nam vào hoạt động trong vài năm tới, Bộ Giao thông Vận tải muốn nhiều người hơn sử dụng xe buýt của thành phố.
Bộ đề nghị thu giá vé thấp và cung cấp bãi đậu xe miễn phí tại các trạm xe, nơi hành khách có thể sử dụng xe buýt.
Điều này đòi hỏi ngăn chặn những người đi xe gắn máy.
Ông Hosomi nói rằng Việt Nam không như những nước kỹ nghệ hóa hơn ở Á châu, xe gắn máy vẫn chiếm ngự đường phố. Có nghĩa là những người đi xe ở đây tiếp xúc với không khí ô nhiễm nhiều hơn, đó là chưa kể đến các vụ đụng xe. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng tình trạng ô nhiễm ở Việt nam đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.”
Ông nói thêm rằng việc sử dụng phổ biến nhiên liệu rẻ tiền cũng góp phần tạo ra khói mù. Các loại xe hơi cũng vậy, đó là lý do chính phủ nhắm hạn chế chúng trong các trung tâm thành phố và thu phí những người lái xe đi vào trung tâm thành phố. Các viên chức cũng muốn quảng bá việc sử dụng xe chạy bằng điện.
Các nhà nhập khẩu xe hơi ngần ngại
Tuy nhiên ông Horst Herdtle, Tổng giám đốc Euro Auto, nhập khẩu xe hơi BMW vào Việt Nam nói rằng không nên không chiếu cố đến các xe hơi truyền thống.
Ông nói xe hơi của ông đáp ứng các tiêu chuẩn rất khó khăn của Âu châu về thải khí trước khi được nhập vào Việt Nam đến mức một con trâu còn thải ra những chất độc hại hơn một chiếc xe hơi.”
Chính phủ Việt Nam thậm chí sẽ còn kiểm soát xe hơi khó khăn hơn sau năm 2018, khi phải bãi bỏ thuế nhập khẩu xe từ các nước thuôc Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á, ASEAN.
Sự thay đổi nằm trong bối cảnh hội nhập hơn nữa với các nước trong khu vực, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ bắt đầu thành lập vào năm 2015. Việt Nam giảm một nửa thuế nhập khẩu xe hơi trong năm nay điều này có nghĩa trước đây người mua đã trả gấp đôi giá một chiếc xe.
Đồng thời Việt Nam đã thành công trong một số chiến dịch đại chúng về giao thông. Như đẩy mạnh biện pháp buộc người lái xe gắn máy đội mũ bảo hiểm với kết quả tuân thủ 90%, theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Quốc tế.
Các tấm biển quảng cáo lớn trên đường nhắc nhở người lái xe “An toàn là trên hết” hay câu của năm nay là “Năm An toàn Giao thông”.
Tuy nhiên nhà môi trường Phan Hà Vy nói rằng không có đủ các chiến dịch nhìn xa hơn vấn đề an toàn để bao gồm vấn đề môi trường. Cô nói:
“Không khí ô nhiễm quá nhiều vì người dân không ý thức vấn đề môi trường.”
Cô Vy sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng là người sinh trưởng ở Vũng Tàu, một thị trấn vùng biển nằm về hướng đông nam thành phố, đi xe mất độ 3 giờ đồng hồ. Cô nói rằng các con đường ở quê cô sạch hơn nhiều, ít đông người hơn, cô có thể đi bộ ra ngoài. Giờ đây cô đi bằng xe gắn máy. Cô nói:
“Thậm chí nếu tôi đi bộ ở đây thì còn quá nhiều bụi bậm. Vì vậy tôi thiệt không muốn đi ra ngoài, thật khó chịu đựng được.”
Phần lớn người Việt Nam đối phó với không khí ô nhiễm bằng cách đeo khẩu trang.
Nhiều người đi đạo, và tập thể dục ra ngoài vào lúc bình minh lúc đó ít xe cộ và cũng chưa có khói mù.