Đường dẫn truy cập

Việt Nam kỷ luật gần 70 cán bộ diện Trung ương trong năm 2024


Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là thủ tướng Việt Nam trong bức hình chụp ngày 14/11/2020, nằm trong số hàng chục quan chức cấp cao của Đảng bị kỷ luật trong năm 2024.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là thủ tướng Việt Nam trong bức hình chụp ngày 14/11/2020, nằm trong số hàng chục quan chức cấp cao của Đảng bị kỷ luật trong năm 2024.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật hàng chục nghìn đảng viên bị cho là vi phạm các điều luật, trong đó có 68 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 2 lãnh đạo “chủ chốt” của Bộ Chính trị, trong năm 2024 vốn chứng kiến những sự biến động chưa từng có trên thượng tầng chính trị ở Việt Nam.

Thông tin này được Ban Nội chính Trung ương đưa ra tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 27 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hôm 31/12/2024, theo truyền thông trong nước.

Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng được VnExpress trích lời nói rằng báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy trong năm 2024, hơn 700 tổ chức đảng và hơn 24.000 đảng viên vi phạm kỷ luật và bị Đảng xử lý. Ông Dũng cũng cho biết rằng 68 cán bộ diện Trung ương đã bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật.

Cũng đưa tin về thông báo của Ban Nội chính Trung ương, Tuổi Trẻ cho biết trong số những cán bộ diện Trung ương bị thi hành kỷ luật có 2 cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và đây là lần đầu tiên những cán bộ ở cấp cao như vậy bị kỷ luật. Những lãnh đạo này bị kỷ luật do vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng chống tham nhũng tiêu cực. Vẫn theo Tuổi Trẻ, hai vị lãnh đạo “chủ chốt” không được nêu tên đã vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Trong năm 2024, hai lãnh đạo thuộc hàng ‘tứ trụ’ của Việt Nam bị kỷ luật là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Phúc bị Bộ Chính trị ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo hôm 13/12/2024 vì vi phạm các quy định trong phòng chống tham nhũng dù ông đã “xin thôi chức” trước đó gần 2 năm. Ông Phúc bị kỷ luật vì những sai phạm khi còn làm thủ tướng chính phủ khi 2 người phó của ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, bị cho thôi chức vì trách nhiệm liên quan đến các đại án tham nhũng trong đại dịch COVID-19.

Trước đó vào cuối tháng 11/2024, ông Huệ cũng bị hình thức kỷ luật tương tự do những sai phạm không được nêu tên cụ thể. Việc kỷ luật này diễn ra nhiều tháng sau khi ông Huệ “đệ đơn xin nghỉ tất cả các chức vụ và về hưu.” Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị đề nghị kỷ luật cùng thời gian với ông Huệ nhưng chưa nhận án kỷ luật do “đang điều trị bệnh.”

Việc kỷ luật những lãnh đạo chủ chốt như vậy cho thấy Bộ Chính trị đã “khẳng định rõ sự nghiêm minh, quyết tâm cao trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực,” theo VnExpress.

“Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng việc này góp phần giữ nghiêm kỷ luật của Đảng nhưng cũng rất nhân văn, đồng thời khẳng định quyết tâm, có sai phạm phải kết luận xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không để cán bộ sai phạm hạ cánh an toàn," ông Dũng được VnExpress trích lời nói.

Ông Lâm tiếp quản chức tổng bí thư Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, người qua đời hồi tháng 7/2024, và cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng sâu rộng mà ông Trọng phát động từ năm 2016, vốn đã đưa các quan chức chính phủ của nhiều ban ngành và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp ra trước vành móng ngựa.

Thống kê của Ban chỉ đạo đưa ra tại cuộc họp báo hôm 31/12 cho thấy các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới hơn 4.700 vụ án và hơn 9.600 bị can, truy tố hơn 4.000 vụ và gần 10.700 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 4.000 vụ và hơn 9.600 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, theo VnExpress.

Năm 2024 là năm chứng kiến các lãnh đạo trong hàng ngũ Bộ Chính trị ‘ngã ngựa’ nhiều nhất từ trước đến nay. Họ ra đi sau khi công an mở rộng điều tra các vụ án kinh tế tại các tập đoàn như Phúc Sơn, Thuận An, và Việt Á.

Theo Tuổi Trẻ, Ban chỉ đạo đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ kết thúc điều tra, xử lý 26 vụ án và 9 vụ việc, trong đó ưu tiên truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thái Dương và Công ty cổ phần Đất hiếm Việt nam, dự án Sài Gòn-Đại Ninh, và sân bay Nha Trang.

Phiên tòa xử vụ án tham nhũng xảy ra ở Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã được ấn định diễn ra từ ngày 16/1, trong đó cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ là một trong 9 quan chức chính quyền từ trung ương đến địa phương sẽ bị đưa ra xét xử về các tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG