Bộ Tài chính Việt Nam chuẩn bị đưa ra khuôn khổ pháp lý cho tài sản kỹ thuật số và tiền kỹ thuật số với kế hoạch ra mắt sàn giao dịch tiền ảo do Nhà nước cấp phép, theo Chính phủ cho biết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra thông tin này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 5/3 ở Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách “luật hóa” tiền kỹ thuật số nhằm phát triển kinh tế số.
Ông Chi được Báo Chính phủ dẫn lời nói rằng “tại sàn giao dịch được cấp phép, các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư ở Việt Nam có nơi để giao dịch, đầu tư, mua bán.” Theo thứ trưởng Bộ Tài chính, nhà nước Việt Nam “sẽ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên thị trường này.”
Động thái này diễn ra sau lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các quy định rõ ràng để quản lý tài sản kỹ thuật số. Theo đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng các quy tắc để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư đồng thời thúc đẩy đổi mới.
Theo ông Chi cho biết hôm 5/3, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao ngay trong tháng 3 này sẽ báo cáo với Chính phủ để ban hành nghị quyết cho phép thí điểm xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch tiền ảo.
Tính toán của các chuyên gia được Báo Chính phủ trích dẫn cho thấy Việt Nam hiện nằm trong top đầu các nước tham gia thị trường thương mại kỹ thuật số nhưng chưa có hành lang pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro.
Việt Nam có hàng triệu người sở hữu tài sản số đông thứ hai thế giới, theo Báo Chính phủ, trong khi giao dịch tiền ảo có thể lên tới hàng tỷ USD một năm mà lại không có hành lang pháp lý rõ ràng. Điều này, theo tờ báo chính thống của Chính phủ Việt Nam, dẫn đến các rủi ro như lừa đảo, rửa tiền, thất thu thuế, vốn đầu tư ra nước ngoài thay vì đóng góp vào nền kinh tế chính thống.
Thống kê được Báo Chính phủ đưa ra cho thấy Việt Nam nằm trong top đầu về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (Global Crypto Adoption Index) với hơn 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa trong năm 2024.
Một nguyên nhân khác khiến Việt Nam phải sớm ban hành khung pháp lý về tài sản số, theo Chủ tịch Hiệp hội BlockChain Việt Nam Phan Đức Trung nói với Báo Chính phủ, là Việt Nam bị lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa vào Danh sách giám sát tăng cường năm 2023. Ông Trung nói rằng để sớm ra khỏi danh sách này, Việt Nam phải làm nhiều việc, trong đó một vấn đề quan trọng là ban hành khung chính sách về tài sản số và nhà cung cấp dịch vụ tài sản số.
Việt Nam bị đưa vào “danh sách xám” gồm 20 quốc gia trên thế giới chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của FATF. Tổ chức này nói rằng Việt Nam đã cam kết chứng tỏ họ ngăn chặn hữu hiệu việc tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nói với Báo Chính phủ, ông Trung cảnh báo rằng chừng nào Việt Nam còn nằm trong “danh sách xám” này thì nó sẽ tác động đến chi phí tài chính từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và các chi phí cơ hội, gây ra hệ lụy và thiệt hại.
Động thái hướng đến luật hóa tài sản mã hóa của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tâm lý được cho là lạc quan rộng rãi hơn ở châu Á đối với tiền điện tử, với một số quốc gia thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong việc tích hợp tài sản số vào hệ thống tài chính của họ.
Trong bức tranh rộng hơn trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/3 tuyên bố rằng lệnh hành pháp của ông vào tháng 1 về tài sản kỹ thuật số sẽ tạo ra một kho dự trữ các loại tiền ảo mang tính chiến lược mới cho Hoa Kỳ, theo Reuters.
Liên quan đến quản lý đồng tiền số, tiền ảo ở Việt Nam, Tổng bí thư Tô Lâm gần đây nói tại một cuộc làm việc với Ban Chính sách Chiến lược Trung ương rằng “không để chậm trễ, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách riêng biệt đối với các hình thái tài chính mới cũng như phương thức giao dịch hiện đại.”
Diễn đàn